Bến Tre thu hút 45.000 tỷ đồng tại hội nghị xúc tiến đầu tư 2017
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre ngày 20/7, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bến Tre đã ký bản ghi nhớ, cam kết đầu tư, trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng.
Trong đó, tiêu biểu là các dự án Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn của Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn tại huyện Châu Thành; Công ty cổ phần đầu tư Tây Bắc xây dựng trạm nghiền xi măng FICO Bến Tre tại huyện Mỏ Cày Nam; Công ty cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Phú Hưng đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Hưng tại TP Bến Tre.
Dự án Nhà máy Điện Gió Bình Đại của CTCP Điện Gió Mê Kông thành viên của Tập đoàn TTC với quy mô công suất 30MW và 15 tuabin gió, dự kiến sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 2019 - 2020...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Bến Tre muốn đón được đại bàng thì cần phải có tổ đại bàng” và tổ đại bàng này cần có 4 thành tố cho "kiến tạo phát triển”.
Một là, quỹ đất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là cho các nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đất ưu tiên cho công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, xây dựng thành phố trung tâm. Quy hoạch xây dựng phát triển khu công nghiệp, trước hết là khu công nghiệp Phú Thuận, cụm công nghiệp… để phục vụ chuyển dịch cơ cấu tỉnh nhà.
Hai là hạ tầng điện, giao thông phù hợp với quy hoạch và có chất lượng cao.
Ba là, các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới và chấp nhận cái mới. Chính quyền Bến Tre phải là chính quyền đối thoại, đồng hành “3 cùng”: Cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ với doanh nghiệp.
Bốn là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển.
“Một quyết tâm chính trị lớn là Bến Tre, quê hương Đồng Khởi thời chiến, cần làm một Đồng Khởi của thời bình trong phát triển, thời toàn cầu hóa, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước hết, theo Thủ tướng, đó là “biến nguy thành cơ” trong thích ứng biến đổi khí hậu bởi Bến Tre là một trong những địa phương chịu tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Cần có những cơ chế, chính sách mới, công nghệ và mô thức liên kết mới để Bến Tre không còn là vùng trũng của biến đổi khí hậu mà là thung lũng của sự sáng tạo, của sự hội tụ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp, sáng kiến trong khắc phục tác động tiêu cực của thiên tai.
Bến Tre cần có giải pháp sử dụng nước ngọt hiệu quả, tránh khai thác, hạ thấp mực nước ngầm. Dùng nước ngọt chống xâm nhập mặn, đặc biệt về mùa khô khi nước sông hạ thấp, gió chướng đẩy nước mặn xâm lấn vào các vùng ven biển. Bến Tre cũng là vùng nóng ẩm nên cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc diệt trừ nấm mốc, sâu bệnh và bảo quản sản phẩm.
Thứ hai, phát triển kinh tế-xã hội Bến Tre dựa trên hệ thống sông và hướng biển. Vì vậy, đô thị sông ven biển là hướng đi mà nhiều thành phố trên thế giới có điều kiện tương đồng như Bến Tre đã thành công.
Tỉnh cần định hướng phát triển mô hình này trong quy hoạch không gian phát triển, quy hoạch đô thị, quy hoạch cơ sở hạ tầng gắn với các mô hình kinh tế tiềm năng như dịch vụ du lịch, năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần, phát triển thị trường bất động sản.
Thứ ba, kết nối thành một điểm tụ của liên kết trục TPHCM hướng tâm và của 4 tỉnh duyên hải, chia sẻ nguồn tài nguyên sông Tiền, sông Hậu. Thủ tướng hoan nghênh việc gần đây, 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long đã ngồi lại cùng nhau thảo luận về liên kết tiểu vùng duyên hải cửa sông Cửu Long.
Chính phủ rất ủng hộ những hợp tác như vậy để không chỉ sử dụng hiệu quả tài nguyên chung, nguồn lực tài chính, nhân sự và kỹ thuật phục vụ cho các chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết của vùng mà còn cùng nhau đối phó với những thách thức chung.
[caption id="attachment_63182" align="aligncenter" width="660"]
Thứ tư, xây dựng Bến Tre thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa tầm cỡ khu vực, đem lại giá trị gia tăng cao. Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay.
Dẫn lại câu ca dao “Thấy dừa là nhớ Bến Tre/Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”, Thủ tướng cho rằng Bến Tre hiện nay là vùng trồng dừa nhiều nhất cả nước, thế nhưng làm thế nào để cây dừa nuôi được người nông dân, làm giàu cho người nông dân. Hiện nay, trồng dừa của người nông dân chỉ thu lợi bằng 1/10 loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh. Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai.
Cần đặt cây dừa ở một tầm nhìn mới về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường như một đích đến cho khu vực kinh tế phát triển xung quanh dừa và sản phẩm từ dừa. Phải có giống dừa phù hợp, phải thâm canh, tái canh dừa. Không để dừa thoái hóa, năng suất thấp.
[caption id="attachment_63181" align="aligncenter" width="700"]
Thứ năm, nâng cao chất lượng nuôi trồng chế biến thủy sản như tôm nước mặn, nước lợ, tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hướng công nghệ cao. Đối với con tôm thì vùng biển Bến Tre phát hiện nhiều tôm he Nhật Bản, loại tôm có giá trị kinh tế cao gấp 6-8 lần tôm sú và tôm thẻ chân trắng và có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản.
“Tại sao Bến Tre không trở thành vùng nuôi tôm nổi tiếng?”, Thủ tướng đặt vấn đề. Với nguồn nước dồi dào, điều kiện nhiệt độ và khí hậu phù hợp, nguồn nguyên liệu cá tạp phong phú, trữ lượng lớn, Bến Tre rất phù hợp để nuôi trồng một số chủng loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Thứ sáu, phát triển du lịch dịch vụ. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là gần TPHCM, Bến Tre nên tổ chức sắp xếp lại công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn để khai thác được tiềm năng và lợi thế.
Theo Duy Khánh - NDH