Bangladesh mong muốn DN VN đầu tư nông nghiệp và dược phẩm
Tại buổi làm việc với ông Syed Mustafyzur Rahman, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Bangladesh - Việt Nam (BVCCI) và ông Trần Văn Khoa, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết "Việc ký gia hạn bản ghi nhớ về việc Bangladesh sẽ nhập một triệu tấn gạo mỗi năm từ Việt Nam vào tháng Năm vừa qua sẽ thúc đẩy sự giao thương các mặt hàng khác giữa hai quốc gia".
[caption id="attachment_63195" align="aligncenter" width="700"]
Cũng theo ông Phòng, lãnh đạo hai nước đã sớm có thỏa thuận thúc đẩy kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 1 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, hai bên cần tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được trao đổi thông tin và tìm hiểu trực tiếp lẫn nhau.
"Bangladesh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, thị trường lớn và tiềm năng. Hiện nay, ngoài sản phẩm gạo, Việt Nam đang xuất khẩu sang Bangladesh các mặt hàng điện tử, linh kiện. Đây là những mặt hàng truyền thống và các DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường mới mẻ này", ông Phòng nói.
Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, với vai trò đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam , VCCI sẽ hỗ trợ cho các DN, tập đoàn lớn tại Bangladesh tìm hiểu về môi trường đầu tư cũng như các thông tin về DN Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư sang Bangladesh.
Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước có thu nhập trung bình, ông S.M. Rahman, Chủ tịch BVCCI cho biết các hoạt động thương mại kinh tế hiện nay của đất nước đều hướng tới mục tiêu này. Bangladesh hiện có chính sách đầu tư cởi mở, đơn giản hóa các thủ tục, chính sách thuế, chính sách một cửa, đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư.
Với bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư hai nước, ông Rahman mong muốn chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam quan tâm đầu tư tại thị trường Bangladesh, nơi có nguồn lao động dồi dào, đầy tiềm năng. Ngoài những mặt hàng truyền thống, Bangladesh còn nhiều lĩnh vực hợp tác khác đang rất phát triển.
"Bangladesh hiện nay có nhiều ưu thế về lĩnh vực may mặc và dược phẩm. Da thuộc là một trong số những mặt hàng có chất lượng tốt. Ngoài ra các sản phẩm nông sản hoặc thủy sản cũng là những lĩnh vực hai nước có thể tăng cường hợp tác trong tương lai. Chúng tôi đã thành lập nhiều khu kinh tế, cũng như có một hệ thống các Hiệp hội DN, ngành nghề xuyên suốt, luôn sẵn sàng giúp các DN Việt Nam kết nối hoặc cung cấp thông tin về các DN, tập đoàn, nhà đầu tư tại Bangladesh", Chủ tịch BVCCI cho biết.
Ông Rahman cũng cho rằng, hai bên cần tăng cường công tác giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bangladesh cũng mong muốn có nhiều đoàn DN nước ngoài, trong đó có Việt Nam đến tham quan và xúc tiến đầu tư để sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại.