5 giải pháp đột phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 diễn ra ngày 16/9, ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 5 giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

[caption id="attachment_33706" align="aligncenter" width="588"]Ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Ông Đặng Xuân Quang – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)[/caption]

Vị trí, vai trò đặc biệt

Ông Quang cho biết, vùng kinh tế Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Đây là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng khá nhất, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn nổi trội. Đây là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ cảng….

Vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh phát triển xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, liên kết bởi các tuyến trục và vành đai thông thoáng. Đông Nam Bộ là một vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất của cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các KCN tập trung và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và cơ bản như: khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học, hóa chất cơ bản, phân bón và vật liệu… làm nền tảng công nghiệp hóa của vùng và của cả nước.

Cũng theo ông Quang, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Ngay từ những năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, ĐTNN đã nhanh chóng tập trung vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ , góp phần vào sự phát triển bứt phá của cả vùng. Cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, vùng có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước; có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 – 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Các dự án ĐTNN đã đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD; điều đặc biệt là số lượng dự án và vốn đầu tư này chiếm 57,4% và 48,4% FDI của cả nước; các dự án FDI của vùng tập trung 55,8% số dự án và 58,0% vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.

5 giải pháp đột phá

Với vai trò là khu vực năng động, dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTNN, dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào toàn vùng đạt khoảng gần 60 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm khoảng từ 45-55% ĐTNN của cả nước. Đồng thời, Đông Nam Bộ cần giữ vai tiên phong trong việc chuyển hướng chiến lược trong việc thu hút ĐTNN – tập trung vào việc thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Để đạt được các yêu cầu nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang đề nghị các địa phương vùng Đông Nam Bộ tập trung vào các giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện quy hoạch các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế – xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị. Kiện toàn hệ thống cơ sở hiện đại, đạt tiêu chuẩn cấp khu vực. Các mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường không phải gắn kết với hệ thống vành đai các cụm, khu công nghiệp, khu chế biến tạo nên môi trường công nghiệp hiện đại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.

Hai là, trong điều kiện không gian hợp tác kinh tế quốc tế được mở rộng, với việc Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng thời với việc gia nhập hàng loạt các cam kết quốc tế thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới như M&A trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, bất động sản… Hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và Mô hình khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài.

Ba là, trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở mức cao trong nhiều năm, dư địa nguồn lực cho phát triển còn lại của vùng (như đất đai, nguồn nhân lực…) sẽ phải tập trung cho các ngành ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm…; cùng với việc phát triển dịch vụ về tài chính, công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ vận tải, logistic, dịch vụ kinh doanh du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hàng hải…có giá trị gia tăng cao sẽ là những ngành trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Bốn là, xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế. Đảm bảo vùng cung cấp dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến – chế tạo. Đây phải được xem là giải pháp đột phá cả trong ngắn và dài hạn để đảm bảo Vùng kinh tế ĐPN phát triển bền vững.

Năm là, tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh, nhất là các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Trung – Tây Nguyên để tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao; tạo ra thế mạnh, sức lan toả để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo Hải Minh (Enternews)

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video