3 “ông lớn” ngân hàng trả cổ tức, ngân sách thu hơn 6.000 tỷ đồng
Với việc nắm giữ 77,11% vốn tại Vietcombank, nắm giữ 95,28% vốn tại BIDV và nắm giữ 64,46% vốn tại Vietinbank, cổ đông Ngân hàng Nhà nước sẽ thu về khoảng 6.178 tỷ đồng cổ tức năm 2016 từ 3 "ông lớn” ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phê duyệt quyết định chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu năm 2016. Vietcombank sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức vào ngày 29/9 tới, hình thức trả là tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức được chi trả lần này 8%, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông của nhà băng này sẽ nhận được 800 đồng. Theo kế hoạch, thời gian thanh toán sẽ bắt đầu tư ngày 16/10.
Tỷ lệ cổ tức thanh toán lần này là 8%, tức 1 cổ phiếu nhận được 800 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông để thực hiện việc chi trả là ngày 29/9/2017. Ngày thanh toán cổ tức là 16/10/2017. Với hơn 3.597 triệu cổ phần đang lưu hành, Vietcombank dự kiến phải bỏ ra hơn 2.878 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức này.
Một điểm đáng chú ý, cổ đông lớn nhất hiện nay tại nhà băng này chính là Nhà nước, mà đơn vị đại diện sở hữu là Ngân hàng Nhà nước. Với 77,1% vốn điều lệ nắm giữ, dự kiến số tiền Nhà nước thu về từ đợt chi trả cổ tức lần này sẽ lên tới gần 2.220 tỷ đồng.
Tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã BID), cổ đông Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ 3.256,3 triệu cổ phần, tương đương 95,28% vốn điều lệ BIDV.
BIDV đã chốt quyền chia cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 7%, theo đó cổ đông Ngân hàng Nhà nước sẽ thu về hơn 2.279 tỷ đồng. Ngày thanh toán nhận cổ tức từ BIDV là 25/8/2017.
Tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank – mã CTG), đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, các cổ đông cũng thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2016 là 7%. Như vậy, cổ đông Nhà nước dự kiến thu về 1.680 tỷ đồng từ cổ tức của ngân hàng này.
Như vậy, với việc nắm giữ 77,11% vốn tại Vietcombank, nắm giữ 95,28% vốn tại BIDV và nắm giữ 64,46% vốn tại Vietinbank, năm 2016 cổ đông Nhà nước sẽ thu về khoảng 6.178 tỷ đồng từ 3” ông lớn” ngân hàng này.
Hiện tại, Nhà nước cũng đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Trong đó, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại BIDV từ 95,28% xuống 65%, đồng thời thực hiện cổ phần hoá và giảm sở hữu tại Agribank xuống 65% trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là cơ hội để những ngân hàng này có thể tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược, đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong thời gian sắp tới.