“Xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu các TCTD cũng gặp những khó khăn và hạn chế nhất định. Vẫn còn những yếu tố không minh bạch từ các NHTM nên rất khó phát hiện được tình hình thực sự của các ngân hàng này.
[caption id="attachment_6424" align="aligncenter" width="700"]
“Việc tái cơ cấu và xử lý các TCTD yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định”,Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Thiếu cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém
Riêng về vấn đề tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý những ngân hàng yếu kém, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất – kinh doanh, thị trường tài chính trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, vì vậy, việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu các TCTD không thuận lợi.
“Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu chậm cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các NHTM. Đây là đối tượng khách hàng rất lớn của các NHTM, là nơi hấp thụ vốn của nền kinh tế và cũng là nơi tạo ra của cải vật chất của xã hội nên tháo gỡ nút thắt từ phía doanh nghiệp được coi là giải pháp quan trọng để cải thiện hoạt động tín dụng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
Ngoài những lý do khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho rằng có những nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách. Cụ thể như cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Thiếu cơ chế can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với TCTD yếu kém dẫn đến chưa xử lý được dứt điểm pháp nhân của TCTD yếu kém. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD yếu kém. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, các tài sản bảo đảm tiền vay. Thiếu chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm thuế đối với các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD yếu kém…”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về các cơ chế, chính sách trên và nêu đề xuất cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những nội dung liên quan tại các luật và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực ngân hàng.
Nợ xấu xuống còn 3,2%
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho biết từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Sau 3 năm thực hiện (2012-2014) tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012.
“Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng. Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và là một rào cản đối với hoạt động ngân hàng”, báo cáo nhận định.
Về sở hữu chéo, theo báo cáo thẩm tra, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sát nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.
Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp NHTM cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã nêu khái quát, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết, đã đề cập một số vấn đề cần quan tâm, xử lý và đề xuất, kiến nghị.
“Tuy nhiên, một số đánh giá còn chung chung, chưa cụ thể, như: đánh giá khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn bất cập, chưa đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa được bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ”, báo cáo đánh giá.
Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận đã có kết quả nhất định sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu lại các TCTD như số lượng các NHTM yếu kém đã giảm, nợ xấu được kiềm chế và bước đầu được xử lý, năng lực tài chính được nâng lên; nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng chi trả của các TCTD yếu kém được đẩy lùi, an toàn hệ thống được cải thiện.
“NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015; tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu; hoạt động thanh tra, giám sát có những cải cách mạnh mẽ”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Theo Bizlive