“Phi lợi nhuận” và rủi ro của nhà đầu tư giáo dục Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, việc nhiều nhà đầu tư chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực giáo dục đại học thực ra là một lựa chọn dũng cảm...
[caption id="attachment_15830" align="aligncenter" width="700"]
Bất cứ cơ sở giáo dục hay trường đại học nào hoạt động cũng vì mục tiêu đào tạo ra những sinh viên có ích cho đất nước khi ra trường. Vì thế, xét về bản chất, cho dù là đại học tư thục được các cổ đông góp vốn thành lập, hay đại học không vì lợi nhuận được thành lập thông qua hình thức tài trợ từ các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm đều đang được Nhà nước khuyến khích và xã hội chấp nhận, miễn là nó hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, diễn biến xảy ra tại một số trường đại học thời gian gần đây, như Đại học Hùng Vương, Đại học Hoa Sen... có vẻ đã phản ánh một số lỗ hổng trong hệ thống luật về giáo dục.
Nền tảng của khái niệm đại học không vì lợi nhuận được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”.
Theo GS. Phạm Phụ, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, dấu hiệu cơ bản nhận biết trường hoạt động không vì lợi nhuận sẽ có ba điều kiện: (1) Không có cổ đông, tài sản của trường là tài sản của cộng đồng, không phải của Nhà nước, cũng không thuộc về cá nhân nào; tài sản này được đóng góp bởi các “mạnh thường quân” và không chia lợi nhuận cho bất cứ ai; (2) Học phí bình quân sẽ thấp hơn chi phí; và (3) Phải được quản lý bởi một hội đồng ủy thác, gồm những chính khách, nhà giáo có tâm huyết, học giả chứ không phải là những người đóng góp vốn.
Tuy nhiên, với hiểu biết của mình trong lĩnh vực giáo dục đại học, GS. Phạm Phụ cũng khẳng định: “Ở Việt Nam, cho tới giờ phút này, không có một trường tư thục hay dân lập nào là không vì lợi nhuận”.
Chẳng hạn, nếu chiếu theo Luật Giáo dục đại học, Đại học Hoa Sen - một trường hợp thành công điển hình sau khi được Chính phủ cho phép chuyển đổi từ một trường cao đẳng bán công sang đại học tư thục và hoạt động với danh nghĩa đại học tư thục năm 2007 - lại không phải là đại học không vì lợi nhuận, bởi nó chia cổ tức cho các cổ đông hàng năm.
Thậm chí hồi giữa năm ngoái, một nhóm cổ đông chiếm trên 20% vốn điều lệ của Đại học Hoa Sen cũng đã lên tiếng không công nhận việc Chủ tịch HĐQT (cũ) của trường tự nhận Đại học Hoa Sen là “phi lợi nhuận”, và trường cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép là đại học không vì lợi nhuận.
Diễn biến của vụ việc tại trường này dường như sẽ “nóng” trong thời gian tới, khi nhóm cổ đông chiếm đa số cổ phần tiếp tục kiện Đại học Hoa Sen ra Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM, với nhiều cáo buộc
Trần Vinh Dự, Chủ tịch trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, cho rằng sự yếu kém trong công tác giám sát các đại học có thể dẫn tới những hành vi vô đạo đức ngay cả trong các trường đại học phi lợi nhuận. Ông Dự lấy ví dụ về một vụ việc rùm beng tại Đại học American University (Mỹ).
“Năm 2005, hội đồng trường đã thuê một hãng luật điều tra và phát hiện ra hiệu trưởng khi đó của trường là ông Benjamin Ladner (người nhận mức lương xấp xỉ 900 nghìn USD/năm), đã biển thủ khoảng nửa triệu USD của trường để tiêu xài hoang phí”, ông viết.
“Hiện tượng này nói lên điều gì? Nó chỉ ra rằng những rủi ro về mặt đạo đức, sự lạm dụng quyền lực được che chắn bởi những thành tích và hào quang cá nhân của người đứng đầu một trường đại học có thể khiến cho sự thật bị bóp méo, dư luận cũng như nhà chức trách bị “bịt mắt”. Cứ thế sai phạm tiếp nối sai phạm, nguy hiểm hơn, nếu “hệ thống sai phạm” đó bị “lớp mạ” lấp lánh mang tên không vì lợi nhuận che phủ, nó càng khó bị phanh phui hơn. Và chỉ khi “lớp mạ” này bị bong ra, sự thật về “hành vi vô đạo đức” mới dần sáng tỏ”, theo TS. Trần Vinh Dự.
Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, việc nhiều nhà đầu tư chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực giáo dục đại học thực ra là một lựa chọn dũng cảm, khi họ đã gần như liều lĩnh “đặt cược” tài sản của mình vào một nơi họ chưa có kinh nghiệm là đại học tư, và chỉ biết trao niềm tin vào tay những nhà điều hành đại học chuyên nghiệp, vốn là những người được xã hội tôn trọng.
Nhưng khi niềm tin ấy bị đặt sai chỗ, rủi ro đối với các cổ đông góp vốn sẽ là rất lớn.
Theo Bizlive