"Ông lớn" khiêm tốn của ngành ngân hàng

Nếu những cổ đông sau khi tham dự phiên họp ĐHĐCĐ thường niên vừa qua sẽ cảm thấy sự khó khăn đang đè nặng lên Vietcombank, thì những nhà đầu tư chỉ đọc báo cáo phân tích sẽ mang một cảm xúc hoàn toàn trái ngược.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) đã 4 lần ra báo cáo phân tích trực tiếp hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã VCB), chưa kể gần chục các bản tin chứng khoán hàng ngày có nhắc tới ngân hàng này. Chưa một lần HSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank năm 2017 dưới 30%, kể cả khi ngân hàng này chưa công bố số liệu tài chính năm 2016. Công ty chứng khoán này cũng chỉ sử dụng đánh giá “Khả quan” (mức cao nhất khi đánh giá về cổ phiếu) cho Vietcombank.

Cùng quan điểm, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố cuối tháng 3/2017, sau khi Vietcombank công bố số liệu tài chính năm 2016 dự báo lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng này sẽ tăng trưởng khoảng 40% trong năm 2017 lên mức xấp xỉ 12.000 tỷ đồng. Căn cứ để VCSC đưa ra dự báo này là kỳ vọng giảm chi phí dự phòng và cải thiện tỷ lệ lãi biên (NIM).

Nhưng ở một góc độ khác, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 mới diễn cách đây hơn 1 tuần lại cho thấy một cái nhìn trầm lặng hơn của những vị “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền Vietcombank. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay dưới chia sẻ của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành sẽ thấp hơn cả chỉ tiêu được NHNN giao cho, kế hoạch lợi nhuận chỉ tăng trưởng 8%, trong khi câu chuyện tăng vốn vẫn còn nhiều vấn đề chưa có lời giải.

Cũng là những căn cứ, số liệu tài chính như vậy nhưng tại sao đánh giá của ban lãnh đạo Vietcombank lại cho thấy chiều hướng có phần tiêu cực, trong khi các CTCK lại đưa ra dự báo rất lạc quan. Điều này đơn thuần chỉ là góc nhìn khác nhau giữa vị thế là người trong cuộc và người ngoài cuộc hay Vietcombank là một ngân hàng quá “khiêm tốn”?

[caption id="attachment_55874" align="aligncenter" width="540"] Vietcombank đang đẩy mạnh vào phân khúc bán lẻ - vốn là lĩnh vực đang phát triển rất mạnh thời gian gần đây[/caption]

Lãnh đạo nói “khó”, số liệu nói “không khó”

ĐHĐCĐ thường niên năm nay không phải lần đầu tiên các cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Vietcombank về kế hoạch kinh doanh có phần quá thận trọng, khi mà việc vượt kế hoạch đề ra gần như đã trở thành thông lệ trong những năm gần đây.

Năm 2015, Ngân hàng này đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.900 tỷ đồng, kết quả Vietcombank vượt 16% kế hoạch – đạt hơn 6.800 tỷ đồng. Năm 2016, kế hoạch lợi nhuận đưa ra là 7.500 tỷ đồng, kết quả Ngân hàng này đã vượt 13,5% kế hoạch và tăng trưởng hơn 25% so với thực hiện năm 2015.

Cũng cần nói thêm là kết quả tăng trưởng năm 2016 đã bị Vietcombank “ép” xuống khá mạnh khi ngân hàng trích dự phòng tăng gần 6% và trở thành ngân hàng đầu tiên dự phòng đầy đủ khoản nợ bán cho VAMC. Đồng thời, theo số liệu của VCSC, lợi nhuận cao của Vietcombank cũng cho phép ngân hàng này xử lý khoản nợ xấu khá lớn, tương đương 0,9% tổng dư nợ. Chỉ tính riêng phần nợ xấu đã xóa trong quý 4/2016 đã xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, bằng 193% số nợ xấu xử lý trong 9 tháng đầu năm.

Theo nhìn nhận của ban lãnh đạo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, lợi nhuận năm 2016 của Vietcombank là bất thường, với mức tăng trưởng quá ấn tượng. Do đó, việc đặt ra kế hoạch tăng trưởng năm nay ở mức 8% sẽ phù hợp với hướng đi bền vững, dù thấp hơn cùng kỳ nhưng cao hơn đáng kể so với nhiều ngân hàng TMCP Nhà nước khác.

Tuy vậy, dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính thì mức lợi nhuận năm 2016 của Vietcombank dù tăng tới 25% so với năm trước nhưng không chỉ không bất thường, mà còn đã được “hãm” lại và san sẻ sang các năm tiếp theo.

Báo cáo phân tích của HSC và VCSC đều cho chung nhận định rằng động lực tăng trưởng cho Vietcombank năm 2017, bên cạnh hoạt động kinh doanh còn đến từ mức trích dự phòng sẽ giảm đáng kể, nhờ nền tảng đã đạt được của năm 2016. HSC dự báo mức trích dự phòng của ngân hàng năm 2017 sẽ giảm 25% do không còn phải trích lập đối với trái phiếu VAMC, trong khi VCSC cho rằng dự phòng trích lập của Vietcombank sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng, so với mức 6.400 tỷ của năm 2016.

Bên cạnh đó, mặc dù chung quan điểm với ban lãnh đạo Vietcombank ở tỷ lệ tăng trưởng huy động chỉ ở mức 14% nhưng HSC dự báo tăng trưởng cho vay lên tới 19%, so với mức 15% được Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành chia sẻ. Lý do là bởi năm 2016, Vietcombank đã hoàn tất phát hành trái phiếu doanh nghiệp 8.000 tỷ đồng, trong đó có 6.000 tỷ là nợ thứ cấp và có thể tính vào vốn cấp 2, từ đó tạo động lực cho việc duy trì tăng trưởng cho vay cao.

Triển vọng từ chuyển dịch phân khúc khách hàng

Ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã chia sẻ về định hướng tái cấu trúc động lực tăng trưởng của Ngân hàng trong tương lai. Trong đó, phân khúc khách hàng dự kiến sẽ có sự chuyển dịch với tốc độ tăng trưởng mảng bán lẻ và khối khách hàng các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 40%, trong khi khối khách hàng bán buôn sẽ ở mức 11-12%. Đây được cho là lý do góp phần tạo nên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2017.

Tuy nhiên kết quả thực tế đạt được của Vietcombank trong 3 tháng đầu năm lại cho thấy, việc chuyển dịch sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho năm nay. Vốn là ngân hàng có thế mạnh đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khối doanh nghiệp FDI, tăng trưởng đầu năm 2017 mà Vietcombank có được lại không đến từ khối khách hàng này.

Theo báo cáo VCSC, mức tăng trưởng tín dụng tới 8,4% trong quý đầu tiên năm 2017, cao hơn mức 6,3% cùng kỳ năm 2016, đóng góp chính đến từ tăng trưởng tín dụng 12% đối với các khoản cho vay cá nhân, trong khi khối khách hàng doanh nghiệp chỉ tăng khoảng 6,7%. Điều này đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng 19% lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2017, đạt 2.737 tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh vào phân khúc bán lẻ - vốn là lĩnh vực đang phát triển rất mạnh thời gian gần đây, theo đánh giá cũng phần nào cho thấy mục tiêu gia tăng tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) của ngân hàng này lên 85% trong những năm tới, khi tỷ lệ này hiện chỉ ở mức 78%. Theo nhận định từ các CTCK, với việc lãi suất huy động đang có chiều hướng nhích lên, tỷ lệ lãi biên của Vietcombank được dự báo sẽ có chiều hướng khả quan hơn trong năm 2017.

Theo dự báo mới cập nhật của VCSC, tỷ lệ NIM của Vietcombank dự kiến sẽ đạt 2,6% trong năm 2017, cao hơn khoảng 6 điểm % so với mức 2,54% của năm 2016, và 2,48% của năm 2015. Trong khi đó, HSC có phần tự tin hơn khi cho rằng NIM của Vietcombank sẽ đạt tới 2,8% nhờ đẩy mạnh phân khúc bán lẻ và cho vay khách hàng cá nhân.

Việc phát triển mảng bán lẻ cũng trở thành một trong số những mục tiêu cho kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) được đề ra, khi đây không phải phân khúc thị trường thế mạnh của Vietcombank. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo ngân hàng cũng nhận định, M&A là một kế hoạch dài hạn, và hiện tại ngân hàng cũng chưa chọn được đối tượng phù hợp với tiêu chí này.

Theo Lan Thanh - NDH

Tags:

Tự hào, thiêng liêng Lễ thượng cờ A Pa Chải - cực Tây tổ quốc

Ngày 7/5/2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) tổ chức Lễ thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đây là sự kiện đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025) - cột mốc chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chìa khóa mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu

Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Chìa khóa mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, thu hút đông đảo khách hàng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, thương mại quốc tế tham gia.

Video