“Động lực tăng trưởng chỉ có thể trông đợi vào đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài”

Đó là khẳng định của TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 - Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng diễn ra sáng 10/5.

[caption id="attachment_20103" align="aligncenter" width="700"]TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.[/caption]

Động lực tăng trưởng năm tới sẽ thấp hơn năm 2015

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 – Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng, TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, liên quan đến dự báo kinh tế vĩ mô, có hai vấn đề cần quan tâm là động lực tăng trưởng trong năm 2015 và nguyên nhân lạm phát thấp trong năm vừa qua.

Về động lực tăng trưởng trong năm 2015, ông Tú nhận định, nguyên nhân của tăng trưởng cao hơn nhiều kỳ vọng đến từ giá hàng hóa thế giới giảm, sản lượng khai thác dầu mỏ tăng mạnh, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Trong đó, sản lượng khai thác dầu mỏ tăng mạnh, sản lượng về mặt hàng điện tử cũng theo đà tăng do một số nhà máy mới được xây dựng và đang trong quá trình phát huy hết công suất. Bên cạnh đó, tiêu dùng tăng do giá hàng hóa thế giới giảm làm tăng sức mua của người dân.

Ngoài ra, TS. Đặng Ngọc Tú cũng nhận xét, đầu tư tư nhân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng trong năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá thì đầu tư tư nhân của năm 2015 tăng cao hơn năm 2014. Cụ thể, đầu tư tư nhân của năm 2015 đã tăng lên 12,6% GDP so với mức 11,9% GDP của năm 2014. Tương tự như vậy, đầu tư nước ngoài cũng tăng từ 6,7% GDP năm 2014 lên mức 7,6% năm 2015.

Thêm vào đó, ông Tú nhấn mạnh đến thành tích của xuất khẩu trong bối cảnh cầu kinh tế thế giới yếu nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng 8,1%. Điều này theo chuyên gia này là nhờ vào khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là xuất khẩu các mặt hàng điện tử đóng góp tới 74% mức tăng của kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài và đóng góp tới 50% mức tăng xuất khẩu toàn bộ nền kinh tế.

Trên cơ sở phân tích dữ liệu, TS. Đặng Ngọc Tú dự báo, tổng cung năm 2016 sẽ không thuận lợi bằng năm 2015. Ngoài yếu tố về nông nghiệp, hạn hán, giá hàng hóa thế giới sẽ không giảm mạnh và như vậy sẽ không thuận lợi về chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, khai thác dầu cũng giảm vì giá dầu hiện đã ở ngưỡng tương đối thấp. Cùng với đó, sản lượng các hàng điện tử cũng sẽ tăng chậm do các nhà máy đã phát huy hết công suất, một số sản phẩm đang ở chu kỳ suy giảm.

Ở chiều ngược lại, về tổng cầu, ông Tú cũng nhận định tiêu dùng trong năm 2016 sẽ khó tăng như năm 2015 do giá hàng hóa thế giới giảm ít hơn. Ngoài ra, xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp khó, sản lượng điện thoại di động bị cắt giảm khiến tổng cầu nhìn chung tăng thấp hơn năm ngoái.

Tổng hợp lại, động lực tăng trưởng cho năm 2016 chỉ có thể trông đợi vào đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, mà thực tế là từ đầu tư tư nhân bởi đầu tư nước ngoài được xem là yếu tố ngoại sinh. Để tăng đầu tư tư nhân, các biện pháp hàng đầu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, trong đó động thái của Chính phủ mới là rất đáng khích lệ, ông Tú nói.

Lạm phát cao hơn nhưng không nhiều

Cũng trong buổi hội thảo, bàn về vấn đề lạm phát thấp, TS. Đặng Ngọc Tú cho rằng nguyên nhân chính do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến giá hàng tiêu dùng và tác động gián tiếp đến chi phí sản xuất.

Theo đó, dự báo về lạm phát trong năm nay, ông Tú cho hay lạm phát năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015 nhưng không nhiều vì tính tại thời điểm quý I/2016, chỉ số giá hàng nhập khẩu vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Cũng theo chuyên gia này, giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng có thể làm lạm phát tăng ngay trong tháng đó nhưng sẽ giảm trong các tháng tiếp theo khi người tiêu dùng bắt đầu điều chỉnh chi tiêu của mình. Các chi phí cho hàng hóa khác giảm đi và điều này không tác động đến lạm phát cả năm.

“Tôi không cho rằng lạm phát năm 2016 chịu áp lực từ phía cầu. Vì tổng cầu bắt đầu tăng chậm lại từ giữa năm 2015, mức lạm phát thấp trong năm 2015 khẳng định rằng nền kinh tế đang cân bằng giữa cung và cầu”, ông Tú bày tỏ quan điểm.

Theo Bizlive

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video