“Dấu ấn” Nguyễn Văn Bình trong tái cấu trúc ngân hàng Việt
Chữ ký nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình trên tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng mới được phát hành nhân sự kiện 65 năm ngày thành lập ngành ngân hàng Việt Nam được giới tài chính ví như là dấu ấn cho những việc làm chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng Việt.
Những thành quả:
- Tái cơ cấu không dùng ngân sách nhà nước và tuyệt chiêu VAMC.
- Xóa lãi suất khủng từ 30% - 40%/năm về 10%/năm.
- Chấm dứt vàng hóa và giảm đô la hóa.
- Tháo gỡ vốn cho nông nghiệp
Những việc làm chưa có tiền lệ
Tái cơ cấu không dùng ngân sách nhà nước và tuyệt chiêu VAMC
Ngay khi nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình lên nhậm chức vào tháng 8/2011 thì Đề án 254 về Tái cấu trúc ngành ngân hàng bắt đầu được triển khai quyết liệt. Tuyên bố đầu tiên của vị Thống đốc này là tái cơ cấu ngân hàng không dùng ngân sách Nhà nước và giữ tỷ giá mỗi năm tăng không quá 2% - 3%.
Kinh nghiệm 20 năm ở vị trí Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giúp cho ông Nguyễn Văn Bình lật tẩy nhiều sai phạm của một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Bùng nổ cho các vụ đại án ngân hàng là vụ Bầu Kiên vào tháng 8/2012 với nhóm 6 công ty tại ngân hàng Á Châu (ACB), tiếp đến là siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, trong đó gần 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng, cá nhân gửi tại ngân hàng Công Thương (Vietinbank), vụ án Nguyễn Văn Danh tại ngân hàng Xây Dựng cũ đã làm bay mất của ngân hàng này 18.000 tỷ đồng và vụ án Hà Văn Thắm tại ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và biến chúng thành “ngân hàng 0 đồng”, sai phạm hàng nghìn tỷ đồng tại Agribank với sự liên quan của 13 cán bộ Agribank.
Hàng loạt cuộc thanh tra toàn diện các ngân hàng mới lật tẩy rõ những sai phạm của các ngân hàng mắc phải: sở hữu chéo, cho vay sân sau, cho vay không có tài sản đảm bảo, cho vay vượt quá nhiều lần năng lực của con nợ… Có cả trường hợp ngân hàng xuất quỹ cho vay khách hàng tới hàng chục tỷ đồng chỉ với một tờ giấy bảo lãnh của kế toán trưởng ngân hàng.
Gắn với sự tái cơ cấu của ngân hàng lần này là sự ra đời của Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) để xử lý các khoản nợ xấu của ngành ngân hàng.
Tuyệt chiêu của VAMC là dù nợ xấu của ngân hàng đã được “đẩy” về VAMC, giúp ngân hàng dọn dẹp sạch sẽ bảng cân đối kế toán, nhưng trách nhiệm của ngân hàng vẫn còn khi hằng năm phải trích 20% dự phòng nợ đã bán cho VAMC trong 05 năm.
Bên cạnh đó là hàng loạt các vụ “hôn nhân” giữa các ngân hàng: SCB (SCB – Tín Nghĩa – Đệ Nhất); BIDV – MHB; HDBank – DaiABank; SHBank – Habubank; Vietinbank – PGBank; WesternBank – PVFC; MaritimeBank – MDB; MBB – SDF; Sacombank – SouthernBank.
Rổi tiêp đó là ba ngân hàng 0 đồng: CBank, GPBank và Oceanbank.
Kết thúc giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu (2011-2015), số lượng ngân hàng từ 42 giảm xuống còn 34 ngân hàng (gồm ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng Chính sách xã hội). Nhiều cái tên ngân hàng đã biến mất sau tái cơ cấu
Xóa lãi suất khủng từ 30% - 40%/năm về 10%/năm
Giữa năm 2011 đầu năm 2012 lãi suất huy động của các ngân hàng lên đến 20%/năm, còn lãi suất cho vay lên mức 30%/năm, lãi suất liên ngân hàng lên cao chót vót 40%/năm. Tình trạng chi hoa hồng môi giới, chi lãi suất ngoài sổ tiết kiệm, ngân hàng đến tận nhà
khách hàng để mặc cả lãi suất, đem ô tô chuyên dụng đến ngân hàng bạn để chở tiền giúp khách hàng… diễn ra công khai.
Thống đốc phải ra Chỉ thị 02 (7/9/2011) cách chức những cán bộ ngân hàng vi phạm về lãi suất mới chấm dứt được tình trạng này, hạ dần lãi suất cơ bản từ 14%/năm xuống còn 7%/năm. Đến 18/3/2014, chỉ thực hiện lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu là 2 mức lãi suất chủ chốt dành cho các ngân hàng thương mại tham khảo. Siết trần lãi suất huy động dưới 6 tháng ở mức 5,5%/năm và bỏ trần lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên.
Sau gần 05 năm chấn chỉnh hoạt động ngành ngân hàng, lãi suất bình quân cho vay năm 2015 chỉ còn 9% - 10%/năm.
Chấm dứt vàng hóa và giảm đô la hóa
Một căn bệnh rất trầm kha của nền kinh tế Việt Nam là người dân có tâm lý kỳ vọng vào tỷ giá USD/VND tăng và tích trữ vàng, đầu tư, đầu cơ vàng.
Để giảm vàng hóa, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư 24 về chấm dứt gửi và cho vay bằng vàng. Đấu thầu vàng để cân bằng cung – cầu vàng trong nước, ra quota nhập khẩu vàng để kiểm soát lượng vàng vào – ra trong nước, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Xóa sổ hoạt động của các sàn vàng khi các sàn vàng này góp phần làm bất ổn thị trường vàng.
Thị trường vàng trong nước đã lặng sóng, cũng có ý kiến cho rằng do giá vàng thế giới không còn biến động nhiều như trước. Tuy nhiên, nếu không có bàn tay can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì tâm lý đầu tư vàng sinh lời trong dân vẫn còn sôi sục.
Tình trạng đô la hóa đang giảm dần, không thể nói là chấm dứt thời kỳ của USD như đối với vàng, nhưng cũng chấm dứt thời kỳ hai tỷ giá, chính sách ngoại tệ luôn chạy theo thị trường đô la chợ đen.
Khi đó, sự chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường ngân hàng có lúc lên tới 2.000 – 3.000 VND/USD những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Giá USD chợ đen có lúc lên mức 22.300 VND vào ngày 19/2/2011 sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân thêm 9,3%.
Ngay từ tháng 8/2011, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố: “Mục tiêu tỷ giá mỗi năm tăng không quá 2%-3%” đã đập tan những con sóng thần tỷ giá làm méo mó thị trường ngoại tệ Việt Nam như những năm 2009 – 2011.
Một bước tiếp theo giảm đô la hóa là đưa lãi suất tiền gửi USD đã về mức 0%/năm; ấn định tỷ giá trung tâm để các ngân hàng mua – bán ngoại tệ hằng ngày.
Chấm dứt thời kỳ hỗn loạn của vàng và đô la làm khuấy động thị trường tiền tệ và cuộc sống của người dân Việt Nam.
Tháo gỡ vốn cho nông nghiệp
Mặc dù không phải là “lão nông tri điền” nhưng nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng rất chú trọng việc “dĩ nông vi bản”. Chưa có vị Thống đốc nào đến nay vừa làm chính sách vĩ mô toàn ngành, vừa đi tìm hiểu chi tiết, tháo gỡ vướng mắc trong cho vay từng cái cây, con cá… Ông đã yêu cầu các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối phải dành ít nhất 20% tín dụng cho nông nghiệp.
Tuy tín dụng vào nông nghiệp chưa được như ý muốn, nhưng từ việc “thông” tín dụng cho vay cá tra đang gặp khó xuất khẩu, mở vốn vào “cánh đồng mẫu lớn”, cho vay ưu đãi ngư dân đóng tàu để phát triển kinh tế biển… đã được thực hiện.
Nhiệm kỳ (2011 – 2015) của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đến nay được coi là một chặng đường quan ải khốc liệt, nhưng ghi dấu nhiều kết quả trong đó có những việc được xem là chưa có tiền lệ, của vị Tư lệnh ngành này.
Tờ tiền lưu niệm 100 đồng được phát hành đánh dấu những kỷ niệm 65 ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó cũng in dấu của vị Thống đốc Nguyễn Văn Bình bằng những việc làm quyết liệt, góp phần thiết lập lại kỷ luật tài chính trong ngành ngân hàng.
Linh Lan