Xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày càng tăng bền vững
Hoa Kỳ và Nhật là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất và khá ổn định, TS Lê Xuân Sang nhận định. Lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tương ứng 20% và xuất khẩu sang Nhật tương ứng 10% thị trường thế giới.
Tại hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong hội nhập TPP tổ chức sáng 17/6, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết thực trạng thương mại của Việt Nam với các nước thành viên trong TPP có Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai đối tác lớn nhất, tiếp đến là Mexico, Malaysia, Singapore và Canada.
Từ năm 2007- 2014, xuất khẩu nội khối tăng 25 tỷ lên 56,5 tỷ USD, tăng hơn 2,2 lần. Xuất khẩu ngoài khối tăng mạnh hơn từ 23,7 tỷ lên 93,7 tỷ, tăng hơn 4 lần.
Hoa Kỳ và Nhật là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất và khá ổn định, TS Lê Xuân Sang nhận định. Lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tương ứng 20% và xuất khẩu sang Nhật tương ứng 10% thị trường thế giới. Hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngày càng tăng bền vững, đây là nhân tố quan trọng giúp giảm nhẹ nhập siêu tổng thế (đặc biệt là từ Trung Quốc).
Các mặt hàng tăng mạnh bao gồm dệt may tăng gấp 3 lần, dép giày tăng gấp 5 lần, đỗ gỗ tăng hơn 2 lần và hải sản cũng nằm trong top 5 sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhất.
Chuyên gia kinh tế cho biết, xuất khẩu sang Hoa Kỳ bền vững nhất là sản phẩm gỗ.
Theo nhận định của TS Lê Xuân Sang từ năm 2007 đến năm 2014 hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các nước thành viên TPP đã dần cải thiện. Cụ thể, hàng thô, sơ chế giảm từ 51% xuống còn 23%, hàng chế biến tăng từ 49% lên 77%.
Ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ các nước thành viên TPP chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu. Cụ thể năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hàng tiêu dùng 10%, còn lại 90% là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, trong đó máy móc thiết bị tăng từ 28,1% lên 43,2% và nguyên vật liệu giảm từ 62,3% xuống còn 46,7%.
Năm 2015 xuất khẩu sang các nước TPP mặt hàng máy tính, ti vi và linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng 16%, điện thoại và linh kiện chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu.
TS Lê Xuân Sang cho biết, top các mặt hàng xuất khẩu sang TPP nhiều nhất là: Balo, cặp, túi. ví; Cà phê; Điện thoại các loại và linh kiện; Giày dép; Hàng dệt may; Hàng thủy sản; Linh kiện điện tử; sản phẩm gỗ.
Cơ hội cho Việt Nam rất lớn trong tăng tỷ trọng xuất khẩu vào các nước thành viên TPP sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, TS Sang cho biết, các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy tắc xuất xứ, các cam kết để hưởng lợi từ Hiệp định này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng không còn nhiều thời gian để doanh nghiệp mơ hồ về TPP khi cơ hội đi liền với thách thức.
Theo NDH