Xóa “vùng trũng” theo cách SCIC
Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, từ lâu, SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ trong các DN mà Tổng công ty có quản lý vốn đã nhận thấy những nút thắt và vùng trũng về quản trị DN.
[caption id="attachment_43440" align="aligncenter" width="588"]
Việc nhìn nhận đúng đắn và thực thi nghiêm túc các quy chuẩn trong quản trị DN sẽ giúp DN nâng cao tính minh bạch, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư, thu hút dòng vốn và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là cổ đông nhà nước nên làm gì để hỗ trợ và khuyến khích việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ tốt này tại các DN có vốn nhà nước.
Cải thiện khả năng quản lý vốn
Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, cải thiện quản trị trong các DN có vốn của SCIC luôn là ưu tiên hàng đầu của Tổng công ty với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.
“Trong bất kỳ DN nào mà SCIC có vốn, nguyên tắc chi phối quyết định của Tổng công ty là: hiểu luật và tôn trọng luật, ứng xử hài hòa mối quan hệ với các cổ đông, vì lợi ích của Nhà nước và DN; áp dụng nguyên tắc thị trường tối đa, chứ không can thiệp hành chính”, ông Chi nói.
Việc tuân thủ và ứng xử dựa trên nguyên tắc này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ở nhiều DN. Đơn cử, Traphaco là DN cổ phần hóa sớm nhất của ngành dược với vốn chủ sở hữu ban đầu 9,9 tỷ đồng. Khi đó, Nhà nước chiếm 45% cổ phần của doanh nghiệp. Đến năm 2006, vốn nhà nước đã được chuyển về SCIC quản lý. Đến nay, Traphaco đã đứng vị trí số 1 trong ngành Đông dược với giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán ở mức hơn 4.000 tỷ đồng. Giá trị doanh nghiệp tăng 400 lần trong 16 năm. Cơ cấu cổ đông của Traphaco rất đa dạng, trong đó có cổ đông nhà nước (SCIC nắm 35,67%), cổ đông nước ngoài (quỹ Mekong Capital nắm 24,99%, Quỹ Việt Nam Holdings nắm 10,43%) và các cổ đông nhỏ lẻ. Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco, mối quan hệ hợp tác tốt giữa các cổ đông chính là nền tảng vững chắc để Hội đồng quản trị xây dựng các chiến lược đúng và Ban điều hành thực thi hiệu quả.
“Với những cổ đông ngoại có tầm như trên, SCIC cũng liên tục đổi mới, đưa ra những đóng góp khuyến nghị chất lượng nhằm cải thiện hoạt động DN”, bà Thuận nói thêm.
Bằng hệ thống quản trị hiện đại
Nỗ lực đưa các thông lệ quản trị tốt vào DN có vốn Nhà nước còn được SCIC tập trung thực hiện thông qua Dự án “Tăng cường năng lực tài chính nhằm triển khai tái cấu trúc DN nhà nước”. Theo đó, SCIC cùng với các đơn vị tư vấn là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và PriceswaterHouse (PwC) đã xây dựng bộ quy tắc quản trị DN dành cho các DN trong danh mục đầu tư của SCIC. Bộ quy tắc được soạn thảo dựa trên các nguyên tắc quản trị DN của G20/OECD – Báo cáo OECD cho bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 (tháng 9/2015) và sẽ được triển khai sử dụng từ tháng 1/2017. Các chuyên gia quốc tế tin rằng, những nguyên tắc này đóng vai trò là nền tảng giúp SCIC quản lý tốt hơn các công ty chưa đại chúng sẽ được SCIC thoái vốn trong tương lai gần, hoặc các công ty mà SCIC dự định nắm giữ trong dài hạn. Nhiều nội dung trong bộ quy tắc như quyền của cổ đông và đối xử bình đẳng với cổ đông, vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị DN… được mô tả và hướng dẫn thực thi rất rõ ràng.
Theo phản ánh của các DN áp dụng thí điểm bộ quy tắc trên, với cuốn tài liệu này, hội đồng quản trị và ban lãnh đạo các DN, thậm chí cả các cổ đông của DN sẽ rất chủ động trong cải thiện quản trị công ty.
Bên cạnh đó, SCIC còn xây dựng và áp dụng Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết dành cho người đại diện vốn, với sự hỗ trợ của JICA và các chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI) hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng.
Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các DN có vốn nhà nước được giới thiệu một hệ thống quản trị DN hiện đại và giúp tăng cường giá trị DN tuân theo chuẩn mực quản trị DN quốc tế do OECD yêu cầu. Với cuốn sổ tay này, người đại diện vốn của SCIC, những cánh tay nối dài của ông chủ nhà nước, sẽ nhận thức rõ hơn và nắm bắt vấn đề nhanh hơn trong quá trình nghiên cứu các tài liệu của DN phục vụ việc ra quyết định biểu quyết, tăng tính chuyên nghiệp của người đại diện. Ý kiến biểu quyết (hoặc đề xuất với SCIC để ra ý kiến biểu quyết đối với các vấn đề phải xin ý kiến SCIC) phù hợp với lợi ích của SCIC theo nguyên tắc an toàn và nâng cao hiệu quả vốn, gia tăng giá trị DN. Những vấn đề quan trọng như chia cổ tức, quyết định kế hoạch kinh doanh, lương thưởng thù lao của hội đồng quản trị… đều được hướng dẫn chi tiết và đầy đủ.
Rõ ràng, đây là những động thái tích cực trong nỗ lực thay đổi, nâng cao quản trị DN, một trong những yêu cầu quan trọng mà Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 mới được Quốc hội thông qua. Những dự án mà SCIC đang thực hiện sẽ góp cải thiện tính minh bạch của việc ra quyết định với các công ty đầu tư, thông qua việc làm rõ các mối quan hệ giữa lãnh đạo DN và cổ đông, với mục tiêu là tạo ra hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho các DN và góp phần tối ưu hóa đồng vốn nhà nước.
Theo Hương Ly DĐDN