Vissan chọn đối tác chiến lược: Đâu là báo cáo tài chính thật của CJ Cheiljedang?
Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) quả là một công ty có sức hút lớn, khi mà việc chọn đối tác chiến lược đến cuối tháng mới diễn ra, nhưng đã xuất hiện những tranh luận gay cấn liên quan đến việc “phạm quy hay không” của một doanh nghiệp nước ngoài: CJ Cheiljedang.
Vissan nói gì?
Như đã đưa tin, vừa qua, CTCP Việt - Pháp Proconco đã gửi văn bản gửi tới UBND TP.HCM và Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vissan về việc CJ Cheiljedang không thỏa mãn tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vissan.
Cụ thể, là công ty Hàn Quốc này đã có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá con số quy định, lên đến 1,61 lần.
Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được đưa ra, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, lại chia sẻ với giới truyền thông rằng: “Vấn đề này cần được nhìn nhận ở góc độ pháp lý, mọi thông tin phải dựa trên báo cáo có kiểm toán, không sử dụng các tài liệu sao chép, thiếu tính xác thực. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của CJ là 1,15 lần, theo hồ sơ pháp lý và báo cáo kiểm toán mà Vissan có được”.
Thực hư của chuyện này ra sao? Theo người viết bài này, nên tìm hiểu điểm mấu chốt.
Đầu tiên, phải làm rõ mọi khái niệm theo tính chất pháp lý. Căn cứ vào điều 3 của Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về việc hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, yêu cầu của báo cáo tài chính hợp nhất là nhằm:
Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trong kỳ kế toán của tập đoàn như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là công ty mẹ hay các công ty con trong tập đoàn.
Cung cấp thông tin kinh tế, tài chính cho việc đánh giá tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng tạo tiền của tập đoàn trong kỳ kế toán đã qua và dự đoán trong tương lai, làm cơ sở cho việc ra quyết định về quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư vào tập đoàn của các chủ sở hữu, nhà đầu tư, chủ nợ hiện tại và tương lai và các đối tượng khác sử dụng báo cáo tài chính.
Như vậy, theo quy định hiện hành, báo cáo tài chính hợp nhất được dùng để đánh giá về tình hình tài chính của một công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Đâu là báo cáo thật?
Căn cứ thông tin tài chính quý III/2015 của CJ Cheiljedang Corporation, được đăng tải trên Bloomberg - hãng tin tài chính toàn cầu uy tín - thì công ty mẹ CJ Cheijedang Corporation hiện có các khoản bảo lãnh cho các công ty con, công ty liên kết và các bên liên quan của mình (vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng...) với tổng trị giá 3,437 tỷ won.
Tổng giá trị các bảo lãnh này tương đương 113% vốn chủ sở hữu của công ty mẹ tại cùng thời điểm, ảnh hưởng trọng yếu đến việc đánh giá tình hình tài chính của công ty.
Vì vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng việc đánh giá năng lực tài chính của một công ty nói chung và nói riêng là CJ Cheiljedang Corporation chỉ có thể được thực hiện một cách chính xác, toàn diện và đầy đủ dựa trên cơ sở của báo cáo tài chính hợp nhất của toàn tập đoàn CJ Cheiljedang Corporation.
Tại tiêu chí thứ 3 - Quyết định số 7995/UBND-CNN ngày 21/12/2015 của UBND TP.HCM - về việc phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại Vissan, trong quy định về năng lực tài chính của nhà đầu tư chiến lược có nêu rõ:
Có năng lực về tài chính: Chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; Tại niên độ tài chính năm 2015, vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 1.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) không lỗ trong 3 năm: 2012, 2013, 2014 và không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30/9/2015; Tổng số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2015 không vượt quá 1,5 lần; hoạt động sản xuất kinh doanh không vi phạm pháp luật, không nợ thuế.
Mặc dù vậy, dựa trên các thông tin đại chúng được công bố rộng rãi và trên website của chính CJ Cheiljedang Corporation (http://www.cj.co.kr/cj-en/company/investor/materials), thì CJ Cheiljedang Corporation có chỉ số tổng nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính hợp nhất) tại thời điểm 30/9/2015 là 1,61 lần, vượt tỷ lệ 1,5 lần theo quy định tại Quyết định số 7995.
Nếu con số 1,61 lần của công ty đại chúng đã được công khai, minh bạch với tất cả nhà đầu tư không phải là thông tin đáng quan tâm, thì thông tin nào mới là thông tin chính thức?
Phải chăng thông tin mà lãnh đạo Vissan đang đề cập tới, là một thông tin tài chính khác đã được CJ Cheiljedang để cung cấp riêng cho Vissan để IPO. Còn thông tin tài chính mà CJ Cheiljedang chính thức đang trình bày với cả thế giới thì sao, giả hay thật?
Người viết cho rằng, có lẽ Ban chỉ đạo cổ phần hoá Vissan, UBND TP.HCM cần làm rõ vấn đề này trước khi tiến đến đấu giá vào ngày 24/3 tới, để tìm đối tác chiến lược cho Vissan.
Ngọc Lan Theo Bizlive