VietinBank, BIDV, Vietcombank được nâng mức cho vay trên tiền gửi lên 90%, nhưng hiện 2 NH đã cho vay cao hơn thế
Theo quy định mới, 3 ông lớn ngân hàng là VietinBank, BIDV, Vietcombank sẽ được nới tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi lên mức tối đa 90%, cao hơn mức 80% của các ngân hàng khác.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2509/QĐ-NHNN về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của Ngân hàng TMCP mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90% kể từ ngày Thông tư số 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực (từ 1/7/2016).
Trước đó, theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành năm 2014, các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép có tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng số tiền gửi tối đa là 80%.
Thống đốc NHNN yêu cầu, các ngân hàng được chấp thuận tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi nêu trên phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời giám sát chặt chẽ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT…
Nhưng hiện tại, theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng này thì cả VietinBank và BIDV đều có tỷ lệ cho vay trên huy động cao hơn 90%, chỉ riêng Vietcombank là dưới mức đó.
Cụ thể, tại thời điểm 30/9, VietinBank huy động được hơn 625 nghìn tỷ đồng thì cho vay 618 nghìn tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 98,88%; BIDV huy động được gần 710 nghìn tỷ đồng thì cho vay 664 nghìn tỷ, tức tỷ lệ 93,6% còn Vietcombank huy động được 573 nghìn tỷ thì chỉ cho vay chưa đến 438 nghìn tỷ đồng tức chỉ chiếm 76,4%.
Và theo số liệu công bố chính thức của NHNN cũng cho thấy con số 90% yêu cầu với các ngân hàng trên là thấp hơn thực tế. Cụ thể tại thời điểm cuối tháng 10/2016, tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động vốn của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm cả Agribank, Ngân hàng Chính sách và 3 ngân hàng "0 đồng") là 93,45% trong khi của nhóm cổ phần chỉ là 79,04%. Trong vòng 1 năm trở lại đây tỷ lệ này cũng vẫn duy trì trên 92%, thậm chí từ tháng 5 trở về trước còn trên 95%.
Theo Trí thức trẻ