VCF gây quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19
Theo thống kê đến ngày 18/10 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có 48 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Số lượng này có thể gia tăng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch. Cùng với những khó khăn về kinh tế gia đình, học tập, việc mất đi người thân đã để lại những sang chấn tâm lý, tinh thần con trẻ.
Nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Thành Đoàn TP HCM phối hợp cùng tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) triển khai chương trình "Care to Rise - Yêu thương Nâng bước", hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, trước hết, hai bên sẽ ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp khảo sát tình hình trẻ em mồ côi do dịch.

Lễ ký kết và khởi động chương tình "Care to Rise - Yêu thương Nâng bước" giữa VCF và Thành đoàn TP HCM. Ảnh: Thành đoàn TP HCM
Cụ thể, "Care to Rise - Yêu thương Nâng bước" là sự phát triển và mở rộng của chương trình "Chung sức đồng hành" được thực hiện bởi Thành đoàn TP HCM và VCF. "Chung sức đồng hành" đã giải quyết các vấn đề phát sinh do Covid-19 tại địa bàn như hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng, nhu cầu thiết yếu cho các gia đình người Việt; hỗ trợ người nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể về nước; cung cấp các dịch vụ cho chuyên gia y tế ở tuyến đầu chống dịch.
"Yêu thương Nâng bước" được thực hiện với mục đích hỗ trợ, bảo vệ và tiếp thêm sức mạnh cho khoảng 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tới khi các em trưởng thành. Để thực hiện được các mục tiêu này, chương trình sẽ bắt đầu bằng việc thực hiện khảo sát toàn diện và đánh giá cụ thể từng trường hợp trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để xác định các hỗ trợ phù hợp theo 3 khía cạnh thiết yếu: dinh dưỡng và các nhu cầu cơ bản, vấn đề sức khỏe/thị lực và các rối loạn lo âu có thể có do mất cha mẹ đột ngột và thay đổi nơi ở, và khả năng đáp ứng yêu cầu về thiết bị và mạng Internet để học tập trực tuyến.
Việc đánh giá nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ mồ côi hậu Covid-19 là cần thiết để thiết kế những phương án hỗ trợ phù hợp. Dựa trên kết quả khảo sát, chương trình sẽ thiết kế một kế hoạch phát triển phù hợp và dài hạn cho từng trẻ, hỗ trợ các em cho tới khi trưởng thành cùng với thực hiện đánh giá tiến độ định kỳ và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.

Ông Rad Kivette, Tổng giám đốc VinaCapital Foundation phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thành đoàn TP HCM
Chương trình được triển khai theo 2 giai đoạn - khắc phục các khó khăn ngắn hạn và hỗ trợ phát triển trong tương lai. Giai đoạn 1 kéo dài từ 4 đến 6 tuần nhằm thu thập dữ liệu và thực hiện hỗ trợ theo 3 khía cạnh nêu trên. Giai đoạn 2, các kết quả khảo sát sẽ được chuyển cho các chuyên gia y tế cộng đồng và nhân viên xã hội để phân tích và từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng trẻ. Ngân sách thực hiện chương trình ước tính dao động từ 6,8 đến 11,3 tỷ đồng (300.000 - 500.000 USD) tùy thuộc vào hoạt động đánh giá.
Trong chiến dịch lần này, VinaCapital Foundation có trách nhiệm kêu gọi đóng góp từ cộng đồng; tuyển dụng chuyên gia y tế cộng đồng tình nguyện giảng dạy và đào tạo, tập huấn tình nguyện viên của Thành Đoàn; tuyển dụng chuyên gia y tế cộng đồng tình nguyện; cung cấp bác sĩ và y tá. Tổ chức này cũng sẽ phát triển cơ sở dữ liệu về trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục theo dõi và hỗ trợ trong tương lai, đồng quản lý chương trình và đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như kiểm soát chất lượng cho dự án; thực hiện giám sát và đánh giá dự án và cung cấp tư liệu truyền thông.
Ông Rad Kivette, Tổng giám đốc VinaCapital Foundation cho biết, đây là cơ hội tiếp cận từng trường hợp trẻ mồ côi để đánh giá nhu cầu cá nhân và cung cấp các gói hỗ trợ phù hợp. "VinaCapital Foundation cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam và các chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời ưu tiên cung cấp các nguồn lực thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của hàng nghìn trẻ em mồ côi do đại dịch", ông Rad Kivette nhấn mạnh.

Bà Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn TP HCM. Ảnh: Thành đoàn TP HCM
Về phía Thành đoàn TP HCM, tổ chức này chịu trách nhiệm thông tin, báo cáo đến các đơn vị liên quan về việc triển khai dự án, kết nối các nguồn lực để nhận bảo trợ học tập cho trẻ đến hết cấp học trung học phổ thông; phát huy Hội Thầy thuốc trẻ thành phố để có các giải pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ. Thành Đoàn cũng sẽ tham gia tuyển chọn lực lượng tình nguyện viên cho chương trình; tổ chức các hoạt động phong trào trong và ngoài trường học và tạo điều kiện cho trẻ mồ côi tham gia để hội nhập tốt.
VinaCapital Foundation thành lập năm 2006 là tổ chức phi lợi nhuận được cấp phép tại Mỹ. Sứ mệnh của VCF là tạo ra các giải pháp về sức khỏe và giáo dục nhằm hỗ trợ trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động của tổ chức hướng đến mục tiêu thay đổi tích cực cuộc sống của hàng triệu người Việt trên khắp 63 tỉnh thành mỗi năm.
VCF tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính. Một là các chương trình y tế thiết yếu như tài trợ chi phí mổ tim và chăm sóc tiền - hậu phẫu cho các em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh; khám sàng lọc khám bệnh miễn phí cho trẻ em tại các vùng sâu vùng xa và các hỗ trợ thiết yếu khác cho trẻ em gặp nhiều vấn đề phức tạp về sức khỏe. Hai là, các chương trình nâng cao năng lực y tế: cung cấp đào tạo cho các nhân viên y tế và trang thiết bị cho cấp cứu và chăm sóc trẻ sơ sinh tại các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa; lắp đặt hệ thống máy lọc nước; các chương trình cứu trợ khẩn cấp quốc gia tổ chức và thực hiện cứu trợ thiên tai và đại dịch. Ba là, chương trình giáo dục, tạo cơ hội cho các nữ sinh dân tộc thiểu số; cố vấn cần thiết cũng như đào tạo kỹ năng mềm và trao học bổng toàn phần để các em nữ sinh hoàn tất chương trình học trung học và đại học.
Tầm nhìn của VCF là một Việt Nam phát triển, nơi trẻ em và phụ nữ đều khỏe mạnh, được học tập và trao quyền để có cơ hội hưởng bình đẳng từ sự tăng trưởng kinh tế chung, từ đó, đóng góp cho xã hội và trở thành nhân tố thay đổi cộng đồng. Các chương trình của VCF đều thực hiện cam kết về quyền của trẻ em và phụ nữ, bình đẳng giới, cải thiện dinh dưỡng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.