Từ thách thức đến động lực tăng trưởng kinh tế
Các điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực so với các nền kinh tế khác. Quá trình phục hồi hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước là những yếu tố quan trọng tạo đà cho tăng trưởng bất chấp những khó khăn.
Kìm hãm lạm phát thế giới
Nền kinh tế thế giới chứng kiến những dấu hiệu tích cực khi nhiều quốc gia dường như đã “thoát hiểm” trong cuộc chiến chống lạm phát, dù vẫn chưa thể trở về mức mục tiêu đề ra. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và không đồng đều ở các khu vực, de dọa lạm phát vẫn còn. Theo dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống từ 3,5% vào năm 2022 còn 3% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%. Lạm phát cơ bản nhìn chung được dự báo sẽ giảm dần, từ 8,7% năm 2022 xuống 6,9% năm 2023 và 5,8% năm 2024.
Tại châu Âu, Tập đoàn dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ) mới đây đã hạ tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2023 được dự báo ở mức 0,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Theo nhận định Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), suy giảm kinh tế Trung Quốc mạnh hơn dự kiến cũng là một yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc còn 5,1% trong năm 2023 và 4,6% trong năm 2024, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong khi đó, dù nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, song OECD lưu ý, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể giảm từ mức 2,2% trong năm 2023 xuống 1,3% trong năm 2024.
Trong báo cáo gần nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng mức dự phóng lãi suất lên so với trước đây cho năm 2024 (5,1% so với 4,6%) và năm 2025 (3,9% so với 3,4%). Với triển vọng lãi suất như vậy, áp lực lên đồng nội tệ và xuất khẩu sẽ duy trì trong thời gian tới. Khi đồng USD tăng giá, mà chủ yếu là do FED duy trì quan điểm giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kìm hãm lạm phát ở Mỹ, thì áp lực lên VND sẽ là đáng kể trong thời gian tới.
Cẩn trọng quản lý vĩ mô
Cùng với hội nhập kinh tế, Việt Nam đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới xấp xỉ 200% GDP, cộng với việc có đến 18 Hiệp định thương mại tự do FTA cũng thuộc kỷ lục trên thế giới và dự kiến còn tiếp tục ký những hiệp định mới nữa. Như vậy, với mỗi một biến động trên thế giới, hay những quốc gia là những bạn hàng lớn nhất của chúng ta trong cả xuất khẩu cũng như trong nhập khẩu thì sẽ tác động đến Việt Nam.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo giảm liên tiếp 04 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Chính phủ và các địa phương khẩn trương ban hành, triển khai thực hiện, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Công Thương cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Động lực phục hồi ổn định
Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng ở các nước đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ duy trì ở mức cao là 5% vào năm 2023, nhưng sẽ giảm trong nửa cuối năm và được dự báo còn 4,5% trong năm 2024.
Ông Aaditya Mattoo - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, Việt Nam là một trong những "người hùng" trong quá trình phục hồi. GDP thực tế dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng thời kỳ trước đại dịch, do cầu bên ngoài yếu đi trong khi lực cầu trong nước ở mức vừa phải sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam. Dự kiến tăng trưởng sẽ phục hồi lên mức 5,5% vào năm 2024.
Sức cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do việc tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định. Cân đối ngân sách dự kiến có bội chi ở mức 0,7% GDP trong năm 2023 khi chính sách tài khóa vẫn phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng Chính phủ sẽ quay lại vị thế tài khóa thận trọng hơn trong năm 2024, phù hợp với chiến lược phát triển ngành Tài chính giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các chuyên gia World Bank khuyến nghị, trong ngắn hạn, chính sách tài khóa nên tiếp tục hỗ trợ cho tổng cầu. Điều quan trọng để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn là đẩy nhanh tốc độ triển khai đầu tư công và củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.