Triển vọng FPT sau hai thương vụ thoái vốn

Kết thúc 8 tháng đầu năm 2017, Công ty cổ phần FPT đạt mức tăng trưởng 11% về doanh thu và 16% về lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế, vượt nhẹ 1% so với kế hoạch đề ra. Mảng bán lẻ tiếp tục bứt phá còn mảng phân phối đã cho thấy dấu hiệu bắt đầu ngừng suy giảm.

Thoái vốn thành công tại mảng phân phối và bán lẻ

Mảng phân phối thoái vốn thành công cho Synnex với định giá trên 80 triệu USD. Ở mảng phân phối, đối tác mua lại phần vốn của FPT tại FPT Trading là tập đoàn Synnex, tập đoàn hàng đầu về phân phối sản phẩm công nghệ thông tin trên thế giới.

Ở thương vụ này, Synnex phải trả cho FPT 932 tỷ bao gồm một lượng cổ phần tại FPT Trading và khoản lợi nhuận chưa phân phối của FPT Trading được phát hành cho Synnex, tổng giá trị Synnex sở hữu sau phát hành là 47%. FPT cũng sẽ bán 5% cổ phần tại FPT Trading cho các cán bộ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của công ty trong năm nay, qua đó làm giảm tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Trading về 48%.

Lợi nhuận trước thuế từ thương vụ này theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính vào khoảng 540 tỷ đồng, trong trường hợp thoái vốn được coi là giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 49% FPT có thể ghi nhận khoản lợi nhuận này vào kết quả kinh doanh và làm tăng EPS thêm 664 đồng/CP. Sau thoái vốn, FPT sở hữu 48% FPT Trading và được coi là công ty liên kết, doanh thu sẽ không hợp nhất vào kết quả cuối năm mà chỉ ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết.

Trong năm 2017, kết quả kinh doanh của mảng phân phối tiếp tục suy giảm tuy nhiên mức giảm thấp hơn so với năm ngoái cho thấy mảng này đã bắt đầu tìm được sự cân bằng. Từ quý 3/2017 mảng này sẽ bắt đầu ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, thoát khỏi xu hướng suy giảm kể từ quý 4/2015. Trong trường hợp chưa tính đến yếu tố thoái vốn, doanh thu và lợi nhuận từ mảng phân phối ghi nhận trong năm nay vào khoảng 12.016 tỷ và 279 tỷ, giảm lần lượt 3,5% yoy và 1,8% yoy. Nếu tính đến yếu tố thoái vốn, FPT sẽ chỉ ghi nhận khoảng 243 tỷ lợi nhuận trước thuế từ mảng này trong năm nay.

Mảng bán lẻ thoái vốn thành công cho nhóm cổ đông Vina Capital và Dragon Capital với định giá trên 130 triệu USD. Đối với mảng bán lẻ, FPT sẽ bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho Vina Capital và Dragon Capital với định giá trên 130 triệu USD tương ứng 2.951 tỷ đồng.

Đồng thời, FPT cũng sẽ bán 10% cổ phần cho các nhà đầu tư cá nhân thông qua các công ty chứng khoán để tạo thanh khoản phục vụ mục tiêu niêm yết trên HSX vào đầu năm 2018. Với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, thương vụ bán lại 30% cho Vina Capital và Dragon Capital sẽ mang lại cho FPT khoản lợi nhuận trước thuế vào khoảng 825 tỷ đồng và cũng giống như thương vụ thoái vốn tại mảng phân phối, nếu hoạt động thoái vốn này được tính là giảm tỷ lệ sở hữu về dưới 49%, EPS của FPT có thể tăng thêm 1.026 đồng/CP trong năm 2017.

Sau thoái vốn, FPT sở hữu 45% tại FPT Retail, doanh thu sẽ không hợp nhất từ cuối năm nay mà chi ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết. Trong năm nay, kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện do hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định, số lượng cửa hàng đến cuối T8-2017 là 446 cửa hàng, tăng 16% so với hồi đầu năm. Doanh thu và lợi nhuận từ bán lẻ trong năm nay có thể đạt 13.125 tỷ và 360 tỷ, tăng lần lượt 24% yoy và 39% yoy. Nếu tính đến yếu tố thoái vốn, doanh thu từ mảng này sẽ không được ghi nhận, lợi nhuận trước thuế có thể ghi nhận trong năm 2017 vào khoảng 311 tỷ đồng.

Triển vọng sau thoái vốn

Theo BVSC, sau khi thoái vốn tại mảng phân phối và bán lẻ, cơ cấu doanh thu của FPT sẽ đặc trưng cho một công ty về công nghệ - viễn thông với 95% doanh thu đến từ 2 mảng này. Việc không hợp nhất doanh thu ở mảng phân phối bán lẻ là một điều tốt đối với FPT bởi mảng này tuy có doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận rất thấp đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và triển vọng tăng trưởng không cao. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh sẽ tăng lên và phản ánh đúng bản chất hoạt động của FPT. Mặc dù không còn ghi nhận doanh thu nhưng FPT vẫn sẽ ghi nhận lợi nhuận từ 2 mảng này theo tỷ lệ sở hữu, do đó lợi nhuận 2018 BVSC dự báo vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức 9,1% so với 2017.

Điều quan trọng hơn, 2 thương vụ thoái vốn thành công sẽ mang lại cho FPT lượng tiền để doanh nghiệp có thể tập trung phát triển 2 mảng viễn thông và phần mềm thông qua M&A. Lần gần đây nhất, FPT đã mua lại một công ty phần mềm ở Slovakia và mang đến tăng trưởng cao cho thị trường phần mềm ở Châu Âu, trong thời gian tới, đích ngắm của FPT sẽ là những công ty phần mềm ở Nhật Bản và Mỹ, một thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp khai thác.

Đối với mảng viễn thông, doanh nghiệp còn rào cản lớn do FPT Telecom chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ di động, do đó để tham gia thị trường này FPT sẽ phải mua lại một đơn vị được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ, qua đó có thể kết hợp với hạ tầng sẵn có của FPT để tham gia vào ngành kinh doanh nhiều tiềm năng này.

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video