Trắng tay vì cổ phiếu ảo
Doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán giở chiêu biến hóa báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư sập bẫy.

Hơn 10 phiên giảm sàn liên tục, Trường Thành mới công bố báo cáo tài chính quý II/2016 tiết lộ khoản lỗ lũy kế lên tới 1.123 tỉ đồng, ăn mòn 75% vốn điều lệ của doanh nghiệp này; trong khi quý I/2016, công ty vẫn lãi hơn 50 tỉ đồng. Nghiêm trọng hơn, kiểm kê tài sản của Trường Thành, phát hiện gần 980 tỉ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi không cánh mà bay. Giới phân tích cho rằng đây có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát tạm ngừng chuyển đổi khoản nợ của Trường Thành.
Và để cảnh báo nhà đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu TTF của vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ ngày 9-8. Theo đó, cổ phiếu TTF chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tuy nhiên, việc này không ngăn chặn được làn sóng bán tháo cổ phiếu. Hiện tại, giá của TTF chỉ còn 14.000 đồng/cổ phiếu, mất đến 70% giá trị trong vòng 3 tuần.
Bên cạnh đó, 2 cổ phiếu có quan hệ mật thiết với TTF là KSB và DRH cũng rớt giá thảm hại từ giữa tháng 7 đến nay. Cụ thể, KSB từ mức hơn 90.000 đồng/cổ phiếu hiện chỉ còn 63.000 đồng; DRH từ 78.000 đồng/cổ phiếu tụt xuống còn 33.500 đồng. Tình hình này khiến không ít nhà đầu tư gần như mất trắng khi trước đó gom cổ phiếu giá cao, nhất là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc “cháy” tài khoản là hoàn toàn có thể.
Nhà đầu tư có thể kiện
Chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân cho rằng với TTF, nhà đầu tư là người chịu thiệt trong tình thế thụ động. Họ không thể ngờ rằng một doanh nghiệp đã được báo cáo kiểm toán và niêm yết hẳn hoi lại có những sai phạm, gian dối nghiêm trọng như vậy.
“Nếu quy trách nhiệm thì có thể nói là của nhiều phía từ cơ quan giám sát, cơ quan kiểm toán… nhưng cái chính là do lãnh đạo doanh nghiệp không quan tâm đến quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư” - ông Lân nhận xét.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng đang niêm yết trên sàn cho rằng không thể có sự vô tình nào để xảy ra chênh lệch con số lớn về lãi, lỗ hàng ngàn tỉ đồng như vậy nếu như lãnh đạo công ty không tiếp tay, thông đồng và kế toán cố tình bao che.
Cũng theo ông Hoàng Thạch Lân, các cơ quan quản lý phải mạnh tay xử lý những trường hợp này để “cải tổ” tình hình thị trường, nếu không thì sẽ làm mất niềm tin rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Còn tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM cho rằng cần phải cần xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến gian lận, sai lệch báo cáo khiến cho các nhà đầu tư thiệt hại. Cần thiết có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Và nếu xét thấy có thiệt hại, nhà đầu tư có thể kiện lãnh đạo doanh nghiệp.