Thị trường điện máy: Sân chơi của những ông lớn
Một loạt những tên tuổi lớn trên thị trường điện máy bị "hất" ra khỏi cuộc chơi trong những năm gần đây cho thấy, đây hoàn toàn không phải là "miền đất hứa" cho doanh nghiệp dễ dàng chen chân.
Theo đánh giá của GFK, điện máy là thị trường lớn có mức tăng trưởng ngành cao nhưng tính cạnh tranh cũng cao không kém.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi chỉ trong vòng 5 năm, có tới 5 siêu thị điện máy bị loại ra khỏi "cuộc chơi".
Những cái tên từng "làm mưa làm gió" trên thị trường điện máy một thời như WonderBuy, HomeOne, Việt Long, Best Carings lần lượt phải rời khỏi "sân chơi" chỉ sau vài năm kinh doanh.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2015, Topcare, một thương hiệu bán lẻ lớn tại Hà Nội cũng đột ngột "khai tử", sau 6 năm hoạt động.
Nói vậy để thấy, thị trường điện máy không phải là một "miền đất hứa" để doanh nghiệp dễ dàng chen chân vào.
Theo một số chuyên gia trong ngành, giờ đây, những chiêu "siêu giảm giá", "mua 1 tặng 2" đã không còn mấy tác dụng. Cái mà các "thượng đế" cần chính là giá trị gia tăng.
Do vậy, các nhà bán lẻ muốn tồn tại thì cần phải có định hướng kinh doanh phù hợp, tức là mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, thông qua việc đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chính sách chăm sóc khách hàng như hệ thống bảo hành, chính sách hậu mãi...
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, việc mở rộng hệ thống là điều tất yếu.
Theo đó, một số doanh nghiệp chọn cách "bán mình" để lấy vốn mở rộng kinh doanh như trường hợp của Nguyễn Kim khi hãng này bán 49% cổ phần cho Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan.
Điện máy Trần Anh mới đây cũng tuyên bố hợp tác với Nojima - "đại gia" bán lẻ của Nhật Bản. Hiện Nojima đã nắm tới gần 31% cổ phần của Trần Anh, trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của công ty điện máy này.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp chọn cách lựa chọn cho mình một mô hình nhỏ gọn, nằm ở vị trí ven thành phố hoặc các tỉnh thành nhỏ để gia tăng thị phần của mình như điện máy Xanh.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, điện máy Xanh đã sở hữu tới 31 siêu thị tại 20 tỉnh thành, vươn lên dẫn đầu là hệ thống bán lẻ điện máy có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam.
Một đại gia khác cũng mới "chen chân" vào thị trường điện máy là Vinpro của Vingroup. Chỉ sau 3 tháng ra mắt, Vinpro đã sở hữu tới 6 siêu thị. Mục tiêu trong năm 2015, Vinpro sẽ sở hữu 25 siêu thị.
Dù doanh nghiệp đưa ra chiến lược nào đi chăng nữa, với tính năng đào thải tự nhiên khắt khe của thị trường, kẻ chiến thắng là kẻ chinh phục được "thượng đế".
Cùng BizLIVE điểm lại một số "ông lớn" trên thị trường điện máy trong cuộc đua cạnh tranh thị phần trong những năm gần đây:
Theo Bizlive