Thị trường bảo hiểm: Phát huy kênh huy động vốn
TTBH đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu... Tuy nhiên, sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra dưới các hình thức hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn.
[caption id="attachment_38726" align="aligncenter" width="660"]
Thị trường bảo hiểm (TTBH) nửa đầu năm 2016 đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt trên 38.600 tỷ đồng, tổng tài sản bảo hiểm 6 tháng ước đạt 218.200 tỷ đồng. Con số đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trở lại nền kinh tế từ hơn 60 doanh nghiệp bảo hiểm trong 6 tháng đạt khoảng 171.171 tỷ đồng, cho thấy đây là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế trong những năm tới. Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng vốn huy động cho nền kinh tế từ TTBH đạt tương đương 4% GDP.
Tăng trưởng 16,8%/năm
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến hết năm 2015 toàn TTBH có 61 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), 1 chi nhánh doanh nghiệp BHPNT nước ngoài, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT), 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Tổng doanh thu bảo hiểm năm 2015 đạt 84.506 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 70.165 tỷ đồng, tăng 191% so với năm 2011, doanh thu đầu tư bảo hiểm đạt 14.341 tỷ đồng. Nhìn chung, giai đoạn 2011-2015, TTBH tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng khá tích cực, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân đạt 16,8%/năm.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ; tổng tài sản bảo hiểm đạt 218.219 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 49.515 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong nửa đầu năm nay ước đạt 16.045 tỷ đồng, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 171.171 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Cụ thể, trong năm 2015 Manulife Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 69% so cùng kỳ năm trước, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 1.680 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 4.510 tỷ đồng. Tổng CTCP Bảo Minh đạt doanh thu phí bảo hiểm hơn 3.138 tỷ đồng, tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm trước. Công ty TNHH BHNT Chubb Việt Nam doanh thu năm 2015 đạt khoảng 1.662 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV đạt kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ước đạt hơn 614 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 93 tỷ đồng.
Các yếu tố thu hút khách hàng
Khảo sát TTBH trong nước được CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây, cho thấy sự phân chia rõ rệt về thị phần giữa các nhà đầu tư nội và ngoại. Trong khi thị trường BHNT được thống trị bởi các nhà đầu tư ngoại, thì thị trường BHPNT chỉ diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong nước.
Khảo sát nghiên cứu, đánh giá xếp hạng được Vietnam Report thực hiện dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính (35% số điểm), uy tín truyền thông (30% số điểm) và mức độ hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm (35% số điểm). Bên cạnh đó, các yếu tố về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới và triển vọng kinh doanh năm 2016 cũng được xem như yếu tố bổ sung để xác định vị thế của các công ty.
Báo cáo trên cũng cho thấy TTBH đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm các dự án, bảo hiểm thân tàu... Tuy nhiên, sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra dưới các hình thức hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm dưới chuẩn. Nó cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất thiếu các gói sản phẩm mới, hợp lý để thu hút khách hàng. Thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, sẽ có nhiều loại hàng hóa và doanh nghiệp vào hoạt động, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để tăng trưởng và phát triển.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá uy tín của một công ty bảo hiểm là năng lực tài chính và hiệu quả quản trị thông tin bên ngoài. Đa số khách hàng sử dụng bảo hiểm cũng cho rằng họ thường lựa chọn công ty bảo hiểm dựa trên yếu tố tiên quyết là có năng lực tài chính mạnh, kinh doanh tốt, đồng nghĩa với việc doanh thu cao và tăng trưởng đều, vốn nhiều, thị phần lớn. Các yếu tố này được coi như một phần đảm bảo cho khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm của công ty. Ngoài ra, khách hàng cũng rất chú ý đến thông tin về công ty từ bạn bè, báo chí, internet...
Đối với sản phẩm bảo hiểm, khách hàng dường như nhạy cảm hơn với những nguồn thông tin xấu bên ngoài, do vậy ngoài sự thấu hiểu khách hàng, các công ty bảo hiểm cần xây dựng và quản trị tốt hình ảnh truyền thông, song song với việc tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho công ty.
Các yếu tố quyết định lựa chọn thương hiệu bảo hiểm của khách hàng hiện nay xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: công ty có tiềm lực tài chính mạnh, kinh doanh tốt; nhận được đánh giá tốt từ khách hàng trên báo chí; có chính sách chăm sóc khách hàng tốt; có mẫu hợp đồng bảo hiểm rõ ràng không gây hiểu nhầm; có quy trình thủ tục bồi thường đơn giản, nhanh chóng; có nhiều gói sản phẩm cho nhiều đối tượng; mức phí đóng bảo hiểm cạnh tranh; có nhiều văn phòng đặt tại Việt Nam và có nhiều năm hoạt động.
Lạc quan với triển vọng thị trường
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tính đến hết năm 2015 tổng doanh thu toàn TTBH ước đạt 2% GDP. Về triển vọng thị trường trong năm nay, có tới 40% doanh nghiệp BHNT và khoảng 60% DN bảo hiểm phi nhân thọ BHPNT dự kiến đạt mức tăng trưởng trên 10%. Những con số dự báo tăng trưởng này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm khá lớn.
Bên cạnh đó, TTBH nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Qua 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ, thu hút được 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất tham gia, với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 7.747,9 tỷ đồng. Tổng số phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng và tổng số tiền bồi thường bảo hiểm lên đến 712,9 tỷ đồng.
Để phát triển TTBH nông nghiệp thời gian tới, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm tại các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo hướng không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn.
Để phát triển bền vững và toàn diện TTBH trong những năm tới, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt việc đánh giá thực hiện chiến lược phát triển TTBH Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Trong 5 năm này Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm để trình Quốc hội thông qua vào năm 2020; trình Chính phủ thông qua Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bộ này cũng đang hướng đến việc nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, như ban hành quy định về quản trị rủi ro, quản trị tài chính doanh nghiệp bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế; xúc tiến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch góp phần lành mạnh hóa TTBH.
