TGĐ Dương Trí Thành: Chiến lược phát triển của Vietnam Airlines
Sau 22 năm hoạt động, Vietnam Airlines đã vận chuyển an toàn hơn 200 triệu lượt hành khách, Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chia sẻ về mục tiêu, chiến lược đưa hãng phát triển mạnh mẽ ở trong khu vực.

Ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển trong những năm tới đây của hãng như thế nào?
Trong chiến lược và định hướng phát triển dài hạn đến năm 2020, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực của hãng hàng không quốc gia trên thị trường trong nước và tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, trở thành hãng hàng không có tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh việc củng cố, phát triển mạng bay thông qua hai căn cứ là Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài liên minh SkyTeam để nâng cao khả năng khai thác trên mạng đường bay trọng điểm, đảm bảo quy mô mạng bay, chất lượng dịch vụ 4 sao và hình ảnh trên toàn cầu.
Chiến lược phát triển của Vietnam Airlines trên thị trường nội địa gồm hai nhóm chính. Thứ nhất, tiếp tục phát triển như hãng nội địa duy nhất có dịch vụ chất lượng 4 sao, có mạng bay kết hợp quốc tế – nội địa, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng, nắm chắc nhóm khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Thứ hai, thực hiện chiến lược thương hiệu kép (Dual-brand) giữa VNA và Jetstar Pacific, phối hợp toàn diện về sản phẩm, mạng bay, chính sách bán, tiếp thị… tập trung trên các đường bay trục nhằm bao phủ dải sản phẩm, phục vụ mọi đối tượng khách hàng thông qua mạng bay và tần suất phối hợp, giữ thị phần của VNA Group (gồm VNA, Jetstar Pacific và Vasco) đến 2020 ở mức trên dưới 60%.
Trên thị trường quốc tế, chúng tôi tiếp tục duy trì chiến lược cạnh tranh bằng mạng bay trực tiếp, dẫn đầu về số lượng đường bay thẳng quốc tế, cung cấp đa dạng điểm đến, giờ bay hợp lý với chất lượng dịch vụ 4 sao đẳng cấp quốc tế. Về thị phần, chúng tôi đặt mục tiêu đến 2020 duy trì ở mức trên dưới 30%.
Ngành hàng không toàn cầu tăng trưởng mạnh, và thị trường Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng theo hướng này, với rất nhiều đường bay mới được mở ra trong vòng hai năm qua, với sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh mới từ chính sách mở cửa hàng không. Trong bối cảnh cạnh tranh này, VNA sẽ làm gì để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ của mình?
Đối với thị trường nội địa, thị trường hàng không nội địa tiềm năng với 93,7 triệu dân phát triển nhanh chóng. Chính sự tham gia của các hãng hàng không mới đã thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục trên 20%/năm của thị trường hàng không nội địa trong các năm vừa qua, tạo cơ hội cho mọi tầng lớp và nhiều người dân hơn nữa được sử dụng dịch vụ vận tải hàng không an toàn, tiện lợi và văn minh. Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng khiến các hãng hàng không không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, hàng không là ngành đặc thù, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững là yếu tố quan trọng. Vì thế các nhà chức trách cần có giải pháp chống quá tải và biện pháp quản lý hợp lý như kiểm soát số lượng tàu bay, đánh giá công tác đầu tư và đảm bảo an toàn của mỗi hãng...
VNA đã tham gia vào thị trường cạnh tranh hàng không quốc tế từ ngày đầu tiên thành lập. Trải qua hơn 20 năm, chúng tôi tiếp tục phát triển mạng đường bay quốc tế tới 29 thành phố thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù có sự cạnh tranh rất gay gắt với trên 50 hãng hàng hàng không quốc tế đang khai thác đi/đến Việt Nam, VNA là hãng hàng không chiếm thị phần quốc tế lớn nhất với 35%, xứng đáng với vai trò là hãng hàng không quốc gia. Với thị trường nội địa, VNA với tư cách hãng hàng không truyền thống, hiện đang chiếm 44% và toàn VNA group (bao gồm VNA, Jetstar Pacific Airlines và công ty bay Dịch vụ Hàng không VASCO) chiếm 59% thị phần nội địa.
Với hơn 20 năm hoạt động, chúng tôi đã quen với các cuộc cạnh tranh trong nước và quốc tế, vì thế, càng cạnh tranh, chúng tôi càng thấy đó là cơ hội của mình. “An toàn, hiệu quả và chất lượng” là phương châm kinh doanh của VNA trong môi trường toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày một gia tăng. Hãng đã và đang tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng hàng đầu quốc tế, đồng thời đầu tư xứng đáng cho an toàn và kỹ thuật vì đó là ưu tiên số 1. Hãng cũng tiếp tục phát triển mạng bay và đội tàu bay, tham gia các hợp tác song phương và đa phương, hợp tác trong liên minh SkyTeam để tăng cường khả năng cạnh tranh, đồng nhất tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quốc tế và tạo thêm cơ hội đi lại thông suốt cho khách hàng cũng như tăng khả năng lấp đầy chuyến bay, tăng hiệu quả khai thác.
Bên cạnh việc nâng cấp sản phẩm dịch vụ, lợi thế cạnh tranh lớn của VNA trong trong năm qua là chỉ số đúng giờ (OTP) không ngừng tăng cao. 11 tháng đầu năm 2017, chỉ số OTP của VNA đạt 89,7%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các khu vực trên thế giới như châu Á –Thái Bình Dương (83%), châu Mỹ (83%) hay châu Âu (76%), theo số liệu thống kê từ Airline Cost Management Group (ACMG).
Song song với việc duy trì mô hình hàng không truyền thống chất lượng 4 sao, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đồng thương hiệu giữa VNA và JPA nhằm bao phủ dài sản phẩm, mọi đối tượng khách hàng thông qua mạng đường bay và tần suất phối hợp giữa hai hãng.
Việc cổ phần hóa, niêm yết trên sàn Upcom, có thêm đối tác chiến lược đã tác động như thế nào tới VNA?
Cổ phần hóa là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi mô hình hoạt động của VNA từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần đại chúng. Quy mô vốn chủ sở hữu tăng từ 10,57 ngàn tỉ đồng (trước cổ phần hóa) lên 16,3 ngàn tỉ đồng vào năm 2016 và dự kiến đạt mức 17 ngàn tỉ đồng vào cuối năm 2017, giúp tăng khả năng tự chủ tài chính, có cân đối tài chính an toàn, hợp lý hơn để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và thực hiện đúng chiến lược đầu tư, phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo.
Việc tập đoàn ANA trở thành cổ đông có ý nghĩa lớn đối với quá trình phát triển dài hạn của VNA. Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cũng như có sự tham gia điều hành của tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới tạo nền tảng để VNA triển khai chương trình đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn.
Việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCom là dấu ấn quan trọng trong toàn bộ tiến trình đại chúng hóa VNA, giúp chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính minh bạch trong công bố thông tin cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường.
Kết quả sản xuất kinh doanh của VNA sau cổ phần hóa cũng có thành quả tích cực. Doanh thu hợp nhất năm 2015 đạt 69.123 tỉ đồng, năm 2016 đạt 71.567 tỉ đồng, năm 2017 ước đạt 83.690 tỉ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 10%/năm, cao hơn mức 2,78%/năm của giai đoạn ba năm trước cổ phần hóa. Tương tự, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 1.048 tỉ, năm 2016 đạt 2.600 tỉ và năm 2017 ước đạt 2.826 tỉ đồng, so với mức lợi nhuận bình quân 537 tỉ đồng/năm giai đoạn trước cổ phần hóa.
VNA từng bị cho là có cơ cấu cồng kềnh và cơ chế quản lý còn chịu nhiều hạn chế vì đặc điểm của một doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, điều này có đúng không? Nếu đúng, ông đang làm gì để khắc phục?
Bài toán cơ cấu lại tổ chức luôn là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện liên tục để nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa nguồn lực sẵn có. Kể từ đầu năm 2013, ngay sau khi thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu, song song với quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, công tác sắp xếp, đổi mới các đơn vị trực thuộc và tổ chức lại bộ máy quản trị doanh nghiệp công ty mẹ đã được triển khai đồng loạt. Nhờ sắp xếp lại sản xuất và bố trí lại nguồn lực một cách hợp lý nên tổng công ty không tăng định biên lao động mà vẫn hoàn thành khối lượng vận chuyển tăng trường năm sau cao hơn năm trước, năng suất lao động bình quân hằng năm tăng cao.
Lấy mô hình của một hãng hàng không có quy mô hoạt động lớn làm chuẩn, tổng công ty đã thay đổi mô hình quản trị, theo đó triển khai đồng bộ từ chiến lược kinh doanh, mạng bay, đội tàu bay, chất lượng dịch vụ, tổ chức bộ máy, nguồn lực lao động hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và phát triển hiệu quả, bền vững.
Các đường bay quốc tế quan trọng mới nào của VNA sẽ được mở ra trong năm 2018?
Việc nghiên cứu mở đường bay mới là quá trình đánh giá với tầm nhìn dài hạn, được chúng tôi cân nhắc trên cơ sở yếu tố thị trường, cân bằng chi phí doanh thu và lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi của các bên gồm cổ đông nhà nước và các cổ đông khác. Năm 2018, VNA dự kiến tiếp tục mở mới các đường bay đi đến Hàn Quốc và Nhật Bản, cụ thể là đường bay Nha Trang – Seoul (dự kiến từ cuối tháng 3.2018), đường bay Đà Nẵng – Busan và Đà Nẵng – Osaka (dự kiến từ cuối tháng 10.2018). Việc mở rộng mạng bay tới khu vực Đông Bắc Á nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của Vietnam Airlines tại khu vực thị trường truyền thống, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của hành khách.
Một số hãng hàng không đang quan tâm cả đến vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không (sân bay, dịch vụ mặt đất). Quan điểm của hãng về vấn đề này thế nào?
Cơ sở hạ tầng hàng không tại các sân bay có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hãng hàng không. Các hãng hàng không lớn trên thế giới và trong khu vực hiện đều chú trọng đầu tư và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khai thác, kỹ thuật đồng bộ của mình tại các sân bay căn cứ để tạo sự chủ động và bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển. Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển đội tàu bay và mạng đường bay, chúng tôi tự hào đã phát triển thành công công ty kỹ thuật máy bay VAECO, cơ sở bảo dưỡng máy bay lớn ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất được cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) và châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ. Vietnam Airlines sở hữu 100% VIAGS, công ty phục vụ mặt đất lớn nhất Việt Nam, hoạt động hiệu quả ở ba sân bay căn cứ Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Đây tiếp tục là định hướng của tổng công ty trong thời gian tới và chúng tôi sẽ cân nhắc khi có điều kiện tham gia dự án phù hợp.
Xin cảm ơn ông.
CƠ HỘI LỚN CHO NGÀNH HÀNG KHÔNG
Với quy mô dân số trên 93,7 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định 6,5 – 7%/năm và tăng trưởng nhanh về thu nhập của người dân, nhất là tầng lớp trung lưu, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ, trung bình trên 20%/năm trong 5 năm liên tiếp. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành hàng không và Vietnam Airlines phát triển. Thách thức cạnh tranh là điều tự nhiên và điều này càng thúc đẩy Vietnam Airlines thay đổi, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ, quyết tâm nâng cao tỷ lệ đúng giờ, chăm sóc khách hàng tận tâm, tận lực trên nền tảng an toàn tuyệt đối và phát triển bền vững. Tuy nhiên, sức ép quá tải lên hạ tầng, giá dầu tăng cao trở lại cũng sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững, an toàn của hoạt động khai thác hàng không mà tôi tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp quản lý thích hợp đối với các hãng hàng không. - TGĐ Dương Trí Thành
Theo Forbes Việt Nam