Tại sao đồng đô la Mỹ yếu dần?
Đồng đô la Mỹ đã mất 2% giá trị so với các đồng tiền khác, hiện ở mức giá thấp nhất trong hơn ba năm trở lại đây. Năm 2017, đồng tiền này đã giảm 10% giá trị, theo CNN.
Việc này xảy ra ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hồi năm 2017. Việc tăng lãi suất thường làm tăng giá trị đồng đô la bởi vì nó làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản của Mỹ, đồng thời cũng giúp giữ lạm phát trong vòng kiểm soát.
Kinh tế Mỹ có hai quý tăng trưởng vững chắc, doanh số bán hàng tăng mạnh trong các dịp nghỉ lễ cũng cho thấy rằng xu hướng kinh tế tốt đến cuối năm 2017. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ khá hơn nhờ đợt cải cách thuế mới đây.
Tuy nhiên, chuyện đồng bạc xanh giảm giá thật ra không có gì quá ngạc nhiên. Hussein Sayed, chuyên gia về thị trường tại hãng môi giới tiền tệ trực tuyến FXTM, cho rằng kinh tế châu Âu phát triển trở lại, đặc biệt là ở Đức và Pháp, đang khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô mua euro thay vì đô la Mỹ, điều này khiến giá trị đồng bạc xanh giảm.
Ông Sayed cho biết sự phục hồi kinh tế ở châu Âu còn được thúc đẩy bởi nhận định cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến. Việc này sẽ đẩy lợi suất trái phiếu châu Âu đi lên, thậm chí còn làm đồng EUR hấp dẫn hơn so với USD. Một số chuyên gia kinh tế còn nhận định rằng ECB có thể bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Vì vậy, chuyện đồng USD yếu đi chỉ là tương đối. Kinh tế châu Âu đang hồi phục, và nhiều nhà đầu tư đang đánh cược vào đó.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng tình hình chính trị thiếu chắc chắn ở Mỹ cũng đẩy giá USD đi xuống. Vậy nếu đồng USD yếu có thực sự ảnh hưởng đến nền kinh tế hay thị trường chứng khoán Mỹ? Đến nay, điều này dường như chưa xảy ra. Trên thực tế, USD yếu giúp ích cho kinh tế và chứng khoán. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói nhiều lần trong năm 2017 rằng USD quá mạnh và ông sẽ không phiền nếu nó yếu bớt, bất chấp ông đẩy mạnh phương châm “American First”.
Đồng USD yếu đi sẽ nâng cao giá trị doanh số và lợi nhuận từ nước ngoài của các hãng đa quốc gia của Mỹ như Apple, Microsoft, Johnson & Johnson, Exxon Mobil và Procter & Gamble, sau khi các doanh nghiệp này chuyển số tiền trên về thành USD. Nhiều hãng Mỹ cũng giúp thị trường chứng khoán nước này lên mức cao kỷ lục trong năm qua.
Dù vậy, đà giảm liên tục của USD có thể là vấn đề, vì USD rớt giá mạnh sẽ khiến lạm phát lên cao và đây là điều mà không ai muốn. Song kịch bản đó gần như khó xảy ra. Hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu đều xem USD là đồng tiền dự trữ ổn định nhất. Euro, nhân dân tệ và bitcoin khó có khả năng thay thế vị trí này của USD trong một sớm một chiều.
Lê Thuận