Sức hút của thị trường thực phẩm Việt?
Trước sự màu mỡ của "mỏ vàng" thị trường thực phẩm Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại rất hào hứng đổ vốn đầu tư trong khi doanh nghiệp nội lại chưa có dấu ấn rõ nét.

Hướng đi nào cho DN nội?
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Theo đó, họ sẽ được hưởng ưu đãi thuế và tự do thương mại tại 50 quốc gia trên thế giới, nhất là những nước thuộc G20 đã tham gia.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng, đóng góp ngày càng lớn vào sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói riêng và tổng giá trị GDP cả nước nói chung. Đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước có thương hiệu tốt nhưng đang mất dần kênh tiêu thụ, không có chiến lược dài hạn, rơi vào bế tắc phải tìm đến M&A để kêu gọi vốn và quản trị hiện đại.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cảnh báo rằng chúng ta đã để mất phần mềm (thị trường, marketing, chiến lược chiếm lĩnh trái tim người tiêu dùng…) nếu để mất luôn phần cứng là kênh sản xuất thì thật đáng lo ngại. Doanh nghiệp trong nước sẽ không còn làm chủ nền kinh tế và trở thành người lệ thuộc, tham gia cung ứng, gia công cho các doanh nghiệp ngoại và tụt xuống những mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị. Giá trị gia tăng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp chảy ra nước ngoài.
Việt Nam có nguồn cung lớn và phong phú các sản phẩm nông sản, thủy sản và công nghiệp thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng hạn chế của các doanh nghiệp nội là mới tập trung sản xuất ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế đơn giản, tỷ lệ chế biến sâu (tinh chế) còn rất thấp, bao bì và nhãn mác chưa thực sự lôi cuốn, quy mô sản xuất nhỏ vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, yêu cầu hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải gắn theo chuỗi, liên kết mạnh mẽ từ khâu nguyên liệu, đầu tư sản xuất, công nghệ, chế biến và tiêu thụ.
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết mạnh hơn, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mà thị trường cần, không chỉ đơn thuần bán những thứ mình có, kết hợp với đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì, tiếp thị sản phẩm, “bắt tay” với các doanh nghiệp ngoại, các nhà nhập khẩu để sản xuất theo thị hiếu của từng thị trường.
Thị trường thực phẩm tại Việt Nam lâu nay được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại lao vào rót vốn đầu tư và cạnh tranh. Thời gian tới, với sự thực thi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng như sự phát triển năng động của kinh tế thế giới, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt. Nếu doanh nghiệp nội không bứt phá, nguy cơ “thất thế” trên sân nhà là điều không tránh khỏi.