Sẽ không còn“bóng ma” trên sàn UpCom
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa lên tiếng về vụ cổ phiếu MTM bị ngừng giao dịch, đồng thời công bố 86 DN đăng ký giao dịch trên sàn UpCom với tên gọi Upcom Premium (đạt những tiêu chí nhất định). Liệu đây có phải là chế tài hữu hiệu bảo vệ đựợc nhà đầu tư ?
Siết DN thuộc nhóm cảnh báo trên UpCom
HNX cho biết, MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCom vào 03/11/2015. HNX đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch (ĐKGD) của MTM theo đúng quy định. Ngày 30/3/2016, HNX đã có Quyết định chấp thuận ĐKGD cổ phiếu MTM trên thị trường UPCom.
Ông Vũ Quang Trung- Phó Tổng Giám đốc HNX, cho biết, theo quy định hiện hành, hồ sơ ĐKGD cần có báo cáo tài chính kiểm toán (BCTC) năm gần nhất. Do MTM nộp hồ sơ đăng ký ĐKGD vào ngày 03/11/2015 nên hồ sơ ĐKGD của MTM chỉ có BCTC kiểm toán năm 2014 và báo cáo tài chính có kiểm toán giai đoạn 1/1/2015 – 10/4/2015.
Sau khi MTM chính thức giao dịch trên thị trường UPCom, HNX đã tổ chức quản lý và giám sát hoạt động của MTM theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, MTM chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2015, BCTC Quý 1/2016 và Báo cáo thường niên năm 2015, tức chưa thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin định kỳ. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, HNX đã quyết định tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu này theo đúng quy định tại Quy chế tổ chức và quản lý thị trường UpCom của HNX.
HNX cũng đang phối hợp với Thanh tra UBCKNN để làm rõ thực trạng hoạt động của MTM, xem xét việc đưa trở lại giao dịch nếu DN đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với nhóm các cổ phiếu thuộc bảng cảnh báo trên thị trường UpCom, HNX sẽ kiểm tra, xem xét những trường hợp hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch có dấu hiệu bất thường, kiến nghị tăng cường trách nhiệm của tổ chức kiểm toán, tổ chức tư vấn trong quá trình kiểm toán, tư vấn cho DN…
Giao dịch trên UpCom Premium không được lỗ
Những cổ phiếu thuộc danh sách UpCom Premium là cổ phiếu của những DN đạt các tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức công bố thông tin theo quy định của pháp luật, có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế hoặc tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước tối thiểu là 5%. Các tiêu chí này xem xét dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính gần nhất.
Hiện trên UpCom có khoảng 265 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Như vậy số lượng của UpCom Premium chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng DN có mặt tại đây. Sắp tới số lượng DN trên UpCom có thể tăng lên do các Cty đại chúng và các đơn vị đã CPH, IPO phải đăng ký giao dịch tại sàn này theo quy định mới của Bộ Tài chính, đồng thời những DN bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ chuyển xuống đây từ HNX và HoSe. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những DN, chủ yếu là các DN lớn sẽ chuyển từ UpCom lên HOSE hoặc HNX.
Việc lập UpCom Premium là một nỗ lực của HNX nhằm tạo sự chú ý của giới đầu tư, trong đó quan trọng là một số cổ phiếu tại UpCom có thể được tham gia giao dịch ký quỹ…
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các nhà đầu tư quan tâm nhất khi quyết định cho vay margin đối với một cổ phiếu là tính thanh khoản. Khi cần, cổ phiếu phải bán được, mua được để họ thu hồi đủ tiền gốc và lãi đã cung ứng ký quỹ. Với cổ phiếu trên UpCom, độ rủi ro cao còn phải xếp sau thanh khoản. Trong danh sách 86 cổ phiếu UpCom Premium có nhiều cổ phiếu thậm chí không có giao dịch hoặc giao dịch thưa thớt vài ngàn đơn vị/ngày. Do vậy rất khó để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư …
Bên cạnh đó, mức độ giao dịch bình quân của UpCom rất thấp. Nếu thanh khoản vẫn cứ lẹt đẹt, tính minh bạch không cao thì bất chấp những yếu tố vĩ mô được cải thiện, môi trường chính trị ổn định, thì vốn của nhà đầu tư vẫn không chảy vào UpCom, nhất là sự vụ Cty MTM đã làm nản lòng nhà đầu tư…
Với động thái công bố tiêu chí mới trên sàn Upcom Premium, hy vọng sẽ không còn những “bóng ma” như MTM trên sàn chứng khoán…
Theo DĐDN