Sẻ chia, nền tảng làm nên nhân cách
Giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt, bộn bề những lo toan, nếu bất chợt bắt gặp một cảnh đời nghèo khó, mà lòng ta xót xa, trăn trở, giúp họ rồi mà lòng còn tự hỏi có thể làm gì tốt hơn cho họ thoát ra cảnh đau thương không?. Ấy là trong ta đã có chút gì đó mang tính… sẻ chia.
Như thế nào là sẻ chia?
Ai cũng biết giúp người thì nên “giúp cần câu chứ không nên giúp con cá”, biết vậy nhưng đâu phải hoàn cảnh nào cũng mạnh khỏe để sẵn sàng đi câu?. Thế nên khi sẻ chia, ta sẽ trăn trở để rồi nghiệm ra rằng, sẽ giúp cho họ con cá để họ có cái ăn mà đủ sức đứng dậy, rồi chỉ họ cách đi câu, để họ cầm cái cần câu một cách vững vàn và hiệu quả. Còn nếu ta cho họ một số tiền và mặc họ làm gì thì làm, mặc cho họ xoay sở như thế nào với số tiền ấy cũng được… thì có lẽ hành động ấy chỉ vì sự thương hại mà có, chỉ là sự bố thí để lòng khỏi ray rức.
Những gia đình sống ở nông thôn, cuộc sống vốn đạm bạc nên xoay sở được bữa cơm cho gia đình là quí lắm rồi, vì thế khi người đàn ông trụ cột gặp tai ương – bệnh tật, thì người phụ nữ và những đứa trẻ nheo nhóc kia làm sao có thể cầm cần câu mà đi câu? Những lúc đó, cần lắm một sự sẻ chia tận tâm, tận đáy lòng, mới mong tìm được giải pháp hiệu quả và thích hợp.
Gia đình của chị Phạm Thị Út ở Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một điển hình như thế, chồng bị điện giật té từ trên cao xuống, phải cắt cụt hai tay và mở hộp sọ. Người vợ nghèo khó chạy vạy khắp đầu trên xóm dưới để vay tiền cứu chồng, thoát được cái chết thì nợ nần đã chồng chất rồi, nói chi đến chuyện đi câu. Thế nhưng bằng tinh thần sẻ chia, Khát Vọng Sống với sự chung tay của cộng đồng đã giúp gia đình chị Út đứng lên và đi câu vững vàn. Bệnh viện thì lắp hộp sọ miễn phí, chính quyền địa phương thì cấp nhà, Khát Vọng Sống giúp vốn chăn nuôi, chi phí chữa bệnh và đứng ra trang trải nợ nần, thậm chí còn được bà con chia sẻ bằng cách trả một nửa, cho lại một nửa. Trong 6 tháng trợ giúp, dõi theo với tinh thần sẻ chia như thế, Khát Vọng Sống đã giúp gia đình cô Út hồi sinh. Giờ đây, ở Đầm Dơi cái gia đình nhỏ ấy ấm cúng vô cùng, kinh tế ổn định, nhà cửa khang trang và trở thành điển hình về sự nỗ lực, về sự sẻ chia của cộng đồng và cũng là một bài học về lòng nhân ái. Người đàn ông cụt hai tay - chồng của chị Út - giờ tươi cười hòa nhập cuộc sống, cần mẫn phụ vợ con chăn nuôi để không phụ lòng tin của cộng động, bản thân anh cũng thể hiện nghĩa cử tiếp nối của sự sẻ chia.
Đâu phải đủ đầy mới có thể sẻ chia?
Cô gái “Nhặt đá để ước mơ” Nguyễn Thị Mỹ Tiên ở Kiên Lương, Kiên Giang. Cầm số tiền 22 triệu trợ giúp lần 2 của Khát Vọng Sống, em nhỏ nhẹ xin trích ra 5 triệu đồng, nhờ chương trình giúp cho những hoàn cảnh khốn khó khác, vì theo em: “Được bà con giúp có nhà, có tiền chữa bệnh cho chồng, trả được nợ nần lại còn có tiền tích lũy… thế là quí lắm rồi, em nghĩ mình đã quá may mắn”. Cả đoàn người dự khán chương trình Khát Vọng Sống hôm đó đã ngẩn ngơ và … bùng lên vỗ tay thật lớn. Bởi tấm lòng của em đẹp quá, long lanh quá. Nghèo khó mà vẫn biết sẻ chia. 5 triệu đồng là cả một tài sản với hoàn cảnh khốn khó của em, một hoàn cảnh mà cách đây 2 tháng, không ai cầm được nước mắt khi được nghe câu chuyện của em.
Hai năm trước, khi em đang mang thai đứa con thứ hai được 3 tháng, thì chồng em phải đi cấp cứu vì căn bệnh lao phổi mủ. Bụng mang dạ chữa mà phải vừa lo cho đứa con 8 tuổi, vừa lo cho chồng điều trị dài ngày trong bệnh viện và phải bươn chãi bán đá bào cho học sinh, bằng chiếc xe đạp cũ kỹ.
Hai năm với 3 lần chồng phải cấp cứu, nằm bệnh viện điều trị dài ngày nên gia đình Mỹ Tiên kiệt quệ, cái nhà cất tạm trên mương nước đen ngòm, càng thêm mục ruỗng như chực chờ đổ sập. Con nhỏ, chồng bệnh lao mà điều kiện sống như thế!!!. Mỹ Tiên khóc thầm hàng đêm, mỗi ngày khi đạp xe trở về, em nhặt những viên đá cuội ven đường như để an ủi cho giấc mơ “cất nhà”.
Khát Vọng Sống đến giúp 47 triệu, đủ cho em làm vốn, trang trải nợ nần và dành tiền để chạy chữa căn bệnh lao của chồng em. Thế nhưng, nhìn căn nhà mà ái ngại. Sẽ ra sao nếu nó đổ ụp xuống nửa đêm khuya? Ngập ngụa và hôi hám như thế này thì làm sao hết được bệnh lao?
Bằng sự sẻ chia, Khát Vọng Sống lại được cộng đồng chung tay “mua đá”. Sự ước lệ đáng yêu là mỗi viên đá cuội tương đương 100.000 đồng đã được các nhà hảo tâm tích cực mua hết 350 viên như chương trình phát động. Vậy nên tết này Mỹ Tiên có được căn nhà khang trang có giá trị đến 80 triệu đồng mà chỉ phải trả có 35 triệu, hỏi ra mới biết đó là sự sẻ chia lan tỏa, bởi bà con ở khu vực Kiên Lương thấy cộng đồng trong và ngoài nước giúp đở cho Mỹ Tiên thì lẽ nào bà con ở địa phương lại không chung tay, thế nên người thì cho cửa, người cho xi măng, người cho gạch lót nền, người góp công…
Cái xóm nghèo Kiên Tân - Kiên Lương hôm đó vui như ngày hội, bà con hàng xóm mừng khi thấy gia đình Mỹ Tiên hồi sinh, mừng vì tinh thần nhân ái lan rộng, ấm áp và nghĩa tình. Họ cảm động vì cô gái nghèo, bầm dập với tai ương, vậy mà khi được cộng đồng giúp đở đã biết “sẻ chia” cho người khác.
Nhân cách tốt làm cuộc sống an lành hơn
Nếu định nghĩa “Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc”, thì chắc chắn chắn rằng sự sẻ chia là nền tảng góp phần làm nên nhân cách tốt.
Nhân cách tốt sẽ giúp con người có những hành xử văn minh, biết sẻ chia với gia đình - xã hội, giúp ích cho cộng đồng, đời sống nhờ thế sẽ giảm thiểu những tệ nạn, cuộc sống sẽ thanh bình và tốt đẹp hơn.
Hãy xây dựng nhân cách của mình bằng những sẻ chia chân thành nhất.
*****

Tham khảo chương trình qua website http://khatvongsong.uniad.com.vn
Chương trình do Tạp chí Nhà đầu tư và ĐS. Doanh nghiệp & Đầu tư bảo trợ thông tin.
Theo Đức Tiến (Doanh nghiệp & Đầu tư)