Samsung thiệt hại hàng triệu USD vì Hanjin phá sản
Samsung Electronics cho biết có khoảng 38 triệu USD giá trị hàng hóa và linh kiện đang bị mắc kẹt trên các con tàu chở hàng của Hanjin Shipping Co – hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới vừa mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản tuần trước.
[caption id="attachment_32586" align="aligncenter" width="700"]
Trong văn bản gửi lên tòa, ủng hộ kiến nghị của Hanjin về đề nghị bảo hộ phá sản theo Chương 15 của Luật phá sản Mỹ, Samsung ngày hôm qua cho biết nếu như hãng vận tải Hàn Quốc không được bảo hộ phá sản trước các chủ nợ, những con tàu của Hanjin đang lênh đênh ngoài khơi không thể cập cảng được. Điều này có nghĩa Samsung cũng sẽ bị thiệt hại và mức thiệt hại có thể còn leo thang hơn nữa nếu như những chuyến hàng của Samsung trên những con tàu đó vẫn không được bốc xếp xuống cảng.
Ngày hôm qua, Hanjing cũng đã thạm thời được sự đồng ý bảo hộ tại Mỹ trước các chủ nợ, trong khi hãng vận tải biển này thực hiện quá trình tái cấu trúc lại tại Hàn Quốc.
Sự sụp đổ của Hanjin, hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc, cũng đã làm dấy lên lo ngại rằng những chiếc tàu của Hanjin không có đủ tiền để trả phí các khoản phí cập cảng và bốc dỡ hàng hóa hay nạp nhiên liệu, hay thậm chí là sẽ bị các chủ nợ bắt giữ. Đứng trước lo ngại đó, nhiều cảng ở Mỹ, Châu Á, và Châu Âu đã quay lưng lại với Hanjin, không cho những con tàu cập cảng. Theo thông báo của Hanjin, hiện có 85 con tàu đang mắc kẹt quanh 50 cảng ở 26 quốc gia.
Tàu không cập cảng thì hàng hóa trên tàu cũng bị mắc kẹt theo tàu. Samsung cho biết hiện có tới 304 công te nơ chứa màn hình TV hay các linh kiện đang được chở tới nhà máy của tập đoàn này tại Mexico trên những con tàu của Hanjin. Số hàng trên có giá trị hơn 24,4 triệu USD.
Nhưng không chỉ có vậy, số hàng điện tử gia dụng của Samsung đang lênh đênh trên những con tàu Hanjin gồm tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng hay những sản phẩm khác cũng không hề ít. Tổng trị giá số hàng này là 13,5 triệu USD, được chứa trong 312 công te nơ.
Nếu như số hàng trên không thể được bốc dỡ xuống cảng ngay lập tức, Samsung sẽ buộc phải tìm giải pháp vận chuyển thay thế là đường hàng không để đưa các linh kiện tới các nhà máy nhằm kịp các đơn hàng. Như vậy thì chi phí sẽ rất lớn. Ví dụ, tập đoàn điện tử này cho biết, sẽ cần tới 16 chuyến bay với tổng chi phí là 8,8 triệu USD để vận chuyển 1.469 tấn hàng.
“Những chi phí này hay sự chậm trễ sẽ là thiệt hại không chỉ với Samsung, mà còn với cả các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ, và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ,” Samsung nhấn mạnh trong văn bản gửi tới tòa.
Tập đoàn này cũng khẳng định điều quan trọng với chính Samsung và các nhà bán lẻ là tránh sự ngắt quãng trong quá trình sản xuất, đặc biệt khi mùa mua sắm đang tới gần.
Theo Bloomberg