Quy định mới đón đầu thị trường chứng khoán phái sinh
Thông tư bước đầu đưa ra các quy định nền tảng mở đường cho sự ra đời của thị trường chứng phoán phái sinh với các tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ.
[caption id="attachment_49552" align="aligncenter" width="660"]
Mới đây, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 10/2017/TT-BTC bổ sung nhiều quy định mới trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2017.
Cho vay trái phiếu để bán
Theo đó, việc vay TPCP được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và thông qua hệ thống giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội hoặc trên hệ thống vay, cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và phải đảm bảo những nguyên tắc sau: Chỉ thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP được vay TPCP để bán theo quy chế của Sở; Thời hạn vay không vượt quá 180 ngày và không được vượt quá thời hạn còn lại tới khi đáo hạn của TPCP; Khoản vay phải được hoàn trả bằng TPCP đã vay, trong trường hợp không có đủ TPCP đã vay thì được trả bằng TPCP tương đương có thể chuyển giao; Các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến khối lượng vay, tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác.
Các bên liên quan phải đảm bảo các thỏa thuận này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật áp dụng cho các bên tham gia giao dịch.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể giao dịch vay TPCP để bán.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu như trước, việc vay TPCP chỉ được thực hiện thông qua VSD với mục đích nhằm sửa lỗi giao dịch thì đây là lần đầu tiên một văn bản pháp lý đề cập đến các sản phẩm cho vay trái phiếu. Trong khi đó đã bước đầu đưa ra các quy định nền tảng về việc vay TPCP để bán (bán khống) và đưa ra các quy định về giao dịch tương lai TPCP.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là các quy định bước đầu khi đối tượng được thực hiện hoạt động vay TPCP chỉ có thể được thực hiện với các thành viên đấu thầu. Hơn thế nữa, để các hoạt động này đi vào thực tiễn sẽ cần thêm các quy định được ban hành bởi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Thêm nhà đầu tư “khủng”
Điểm mới thứ hai là sẽ thực hiện phân loại thành viên. Theo đó, thị trường giao dịch TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có 2 loại thành viên là thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt.
Riêng với Kho bạc Nhà nước, tổ chức này được thực hiện giao dịch mua trong các giao dịch mua bán lại TPCP trên hệ thống giao dịch TPCP tại Sở với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa không quá 3 tháng và nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên, đăng ký làm thành viên, nghĩa vụ của thành viên, chế độ báo cáo của thành viên quy định tại văn bản mới này.
Với thay đổi này, thị trường TPCP chuyên biệt sẽ có thêm một chủ thể đầu tư lớn, góp phần thúc đẩy hoạt động thị trường ở những phân khúc kỳ hạn dưới 1 năm.
Thông tư số 10 của Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định: TPCP tương đương có thể chuyển giao là TPCP niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và được sử dụng để thanh toán thay cho TPCP gốc trong giao dịch TPCP trong trường hợp không có đủ TPCP gốc để thanh toán. TPCP tương đương có thể chuyển giao được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch.
Bình luận về kỳ vọng của thị trường về các quy định mới tại Thông tư 10, ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Phòng Trái phiếu HNX cho rằng, với sự tham gia của KBNN trên thị trường thứ cấp, cũng như việc bổ sung các cơ chế/công cụ giao dịch mới, cơ chế phòng ngừa rủi ro trong giao dịch trái phiếu (sử dụng trái phiếu tương đương), hy vọng sẽ tăng tính hấp dẫn cũng như tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.
Với Thông tư 10, thông tin giao dịch trên thị trường sẽ minh bạch hơn, thông qua việc quy định về thời gian phải thực hiện báo cáo giao dịch vào hệ thống.
Phòng Phân tích VCBS đánh giá thông tư này rất đáng chú ý khi bước đầu đưa ra các quy định nền tảng mở đường cho sự ra đời của thị trường chứng phoán phái sinh với các tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ (TPCP). Bên cạnh đó, Thông tư số 10/2017/TT-BTC cũng đưa ra một số cải cách tích cực đối với các thủ tục pháp lý về quản lý giao dịch trái phiếu.
Theo Châu Huệ DĐDN