Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Thêm thẩm quyền “Chủ tịch vùng”
“Sự phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ vẫn còn nặng tính hình thức, danh nghĩa mà chưa đi vào thực chất” – Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, P.Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển các vùng KTTĐ nhìn nhận tại hội nghị “Hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ năm 2016” giai đoạn 2011 – 2016 do TP Hà Nội tổ chức mới đây.
[caption id="attachment_47267" align="aligncenter" width="588"]
Phân tích cụ thể, theo ông Dũng, hiện nay giữa các địa phương trong vùng chưa có một cơ chế điều phối liên kết rõ ràng, chưa có cách tiếp cận mới trong mục tiêu, trách nhiệm hoạt động của từng địa phương thành viên. Ngoài ra, không có chính quyền hành chính cấp vùng nên vai trò chỉ huy và tư lệnh vùng rất khó thực hiện dẫn đến tình trạng cát cứ không liên kết, mạnh ai nấy làm. Mặt khác, chưa hình thành được ý thức và tư duy vùng, ý thức cục bộ địa phương, tư duy nhiệm kỳ cát cứ không hướng tới phát triển chung trong vùng vẫn tồn tại phổ biến.
Phát triển vùng mới chỉ dừng lại ở phép cộng
Một vấn đề được cho là “nút thắt” trong phát triển vùng, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông là những bất cập về GTVT. Việc kết nối phát triển hạ tầng vùng rất hạn chế, chi phí vận tải đường bộ lớn dẫn đến việc mất cân đối trong vận tải đã xảy ra và đang dồn lên đường bộ. Ngược lại, các tuyến đường thuỷ nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng, chưa kết nối được do chi phí lớn. Mặt khác, chưa có trung tâm logistics của vùng, các đường vành đai 3, 4 kết nối các tỉnh giảm tải cho Hà Nội còn chậm do thiếu nguồn lực dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, giao bộ GTVT lập phương án khả thi và giao cho địa phương huy động nguồn lực…
Tránh tình trạng dàn hàng ngang
Để dòng chảy phát triển vùng không “tắc”, ông Nguyễn Xuân Bình – P. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng nhằm thúc đẩy vận tải hàng hoá. Đồng thời tăng tính kết nối các vùng sản xuất và khu vực cảng biển, sân bay đặc biệt tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh.
Ngoài ra, cần tăng cường thêm thẩm quyền vai trò chỉ huy, vai trò tư lệnh của Chủ tịch vùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải có sự cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các hoạt động liên kết tập trung phát triển mạnh vào những ngành lĩnh vực mà các tỉnh thành có lợi thế nhằm tạo ra nguồn lực và tạo ra sự phát triển chung của toàn khu vực…
Theo ông Dũng, phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ, mục tiêu chỉ tiêu của vùng phải được cụ thể hoá cho từng địa phương. “Làm như vậy chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng dàn hàng ngang ai cũng có phần, ai cũng làm một chút mà không có trọng tâm trọng điểm. Việc cụ thể hoá các mục tiêu chỉ tiêu nhiệm vụ cần được thực hiện một cách có khoa học tránh tình trạng xé nhỏ các mục tiêu, xé nhỏ các nhiệm vụ cũng như xé nhỏ các nguồn lực trong bối cảnh ngân sách và nguồn lực còn hạn hẹp” – ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Khắc Lãng DĐDN