Petrosetco tài trợ 1,5 tỷ đồng cho dự án máy oxy dòng cao
Cuối tháng 5, Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã hợp tác triển khai dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao BKVM-HF1 để phòng, chống Covid-19. Toàn bộ chi phí sản xuất lô sản phẩm đầu tiên của dự án được Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Petrosetco tài trợ.

Sản phẩm máy oxy dòng cao BKVM-HF1.
Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường trang thiết bị y tế từ các Bộ ngành, Chính phủ. Máy giúp cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l mỗi phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi, giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp chuyên gia khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group, phối hợp tiến hành nghiên cứu, sản xuất máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.
Ngày 2/7, lễ công bố máy oxy dòng cao BKVM-HF1 đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định, việc chủ động sản xuất máy oxy dòng cao là bước tiến phải cần làm từ lâu. Theo ông Bình, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao trong dịch. Việc tạo ra thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng, giá thành hợp lý, có thể ứng dụng được trên nhiều bệnh nhận được ông Bình đánh giá cao.
"Để phòng chống dịch, nếu chỉ huy động lực lượng cán bộ y tế, chuyên khoa không thì không đủ, nên một chiếc máy thao tác đơn giản, sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích", ông Nguyễn Gia Bình nhận định.

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của VMED Group.
Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, HFNC có vai trò quan trọng với nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, giúp đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân trong quá trình bệnh tiến triển. Theo bác sĩ Chi, rất nhiều bệnh nhân đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản, nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này.
"Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng", bác sĩ Chi nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Bộ trưởng và các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.
Ông Ngô Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc VMED Group khẳng định sẽ đồng hành với Đại học Bách khoa Hà Nội làm ra sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, kịp thời chuyển đến các điểm nóng điều trị Covid-19, nhanh chóng trang bị cho bệnh viện phục vụ điều trị bệnh nhân.
Phía Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sau sự khởi đầu này, hai đơn vị sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3..., góp sức giúp ngành y và bệnh nhân phòng chống Covid-19. Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, hướng đến phục vụ người dân Việt Nam, sau đó sẽ vươn đến các thị trường khác.

Đại diện VMED Group và Đại học Bách khoa ký kết hợp tác triển khai dự án.
Vào giai đoạn một của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Petrosetco thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.
Theo ông Phùng Tuấn Hà - Chủ tịch Petrosetco, các hoạt động vì cộng đồng là một phần quan trọng trong văn hóa của tổng công ty trong 25 năm hình thành và phát triển. Thấu hiểu bối cảnh khó khăn chung của đất nước, giá trị to lớn của việc kết nối nguồn lực, Petrosetco cho biết sẵn sàng góp nguồn lực, đồng hành với VMED Group và Đại học Bách khoa Hà Nội trong dự án này.
"Chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm được làm ra từ tâm huyết và trí tuệ Việt sẽ giúp đội ngũ bác sĩ tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch", ông Phùng Tuấn Hà nói.

Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí Petrosetco phát biểu tại lễ công bố máy oxy dòng cao BKVM-HF1.
Vào giai đoạn hai của dự án, Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group sẽ xây dựng phương án triển khai sản xuất số lượng lớn, đồng bộ với hệ thống trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Do đó, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu của PGS. Vũ Đình Tiến chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009, có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l mỗi phút có độ tinh khiết đến 93% oxy, có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.
Hiện nhóm nghiên cứu của hai bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp vào hệ thống, nâng cấp tính năng cao cho máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này hướng đến phục vụ nhu cầu cấp thiết của các bệnh viện dã chiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn, Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.