Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông: Luôn lấy khách hàng làm trọng tâm
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Phương Đông (OCB) tự hào khi luôn nhận được sự tín nhiệm cao của khách hàng nhờ vào sự tận tụy và liên tục đổi mới để phục vụ khách hàng tốt nhất. Để đạt được những thành tựu đó, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, đó là nhờ vào đội ngũ nhân sự và phương châm “Luôn lấy khách hàng làm trọng tâm” mà Ngân hàng đang theo đuổi.
[caption id="attachment_33323" align="aligncenter" width="700"]
*Thị trường ngân hàng nhìn chung trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến khởi sắc. Ông có cùng nhận định?
-Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn và bản thân ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài các biến động đó. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2016, kinh tế cả nước bắt đầu đi vào giai đoạn tăng trưởng, dù chưa thực sự cao nhưng cũng dần ổn định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách quản lý chặt chẽ, minh bạch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, việc ban hành chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có chủ trương lớn liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng đã tạo tiền đề lớn giúp nhiều ngân hàng “lột xác”.
Nhìn chung, xét về tốc độ tăng trưởng, quy mô lẫn hiệu quả hoạt động, tôi cho rằng ngành ngân hàng đã có nhiều khởi sắc. Dù chưa tạo ra nhiều đột biến nhưng rõ ràng nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.
*Trước khi đạt được kết quả tích cực đó, ngành ngân hàng thời gian qua đã phải đối mặt với không ít sóng gió. Ông và OCB đã vượt qua những thách thức ấy như thế nào?
-Ngay từ năm 2010, ngân hàng OCB đã xác định nghiêm túc về quá trình tái cấu trúc. Trong đó, ngân hàng đã nỗ lực rất nhiều, thậm chí “hy sinh” kết quả tài chính và lợi nhuận trong vài năm gần đây để thực hiện hai việc, đó là khắc phục những tồn tại cũ đồng thời liên tục nâng cấp, đổi mới về chiến lược phát triển, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin cũng như những vấn đề khác liên quan đến hạ tầng cơ sở của Ngân hàng.
Kết quả là trong giai đoạn vừa qua, ngân hàng OCB đã xử lý rất tốt những vấn đề tồn đọng cũ bên cạnh việc thực thi các kế hoạch đổi mới theo đúng lộ trình. Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2016, OCB đã thực hiện rất tốt định hướng và hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh với nhiều chỉ số khả quan. Tính đến 30/06/2016, Tổng tài sản OCB đạt 56,406 tỷ trong đó chất lượng tài sản đuợc cải thiện rõ rệt theo hướng tăng mức đóng góp thị trường 1 lên 69% ; Tăng trưởng tín dụng 22.6% đạt 35,988 tỷ, Tổng huy động thị trường 1 tăng trưởng 26.6% đạt 38,794 tỷ; Tỷ lệ nợ xấu được OCB kiểm soát tốt giảm so với cuối năm 2015 ở mức 1.87%; hiệu quả kinh doanh có sự cải biến rõ rệt, lợi nhuận trước thuế đạt 224 tỷ tăng 250% so với cùng kì 2015 và đạt 110% so với kế hoạch 6 tháng.
*Thế mạnh lớn nhất của OCB so với các ngân hàng khác là gì, thưa ông?
-Đó chính là việc OCB luôn lấy khách hàng làm trọng tâm. Đây cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Ngân hàng, từ đó tạo ra thế mạnh cạnh tranh của OCB so với các ngân hàng khác. Trong hoạt động kinh doanh, tất cả các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng đều được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng. Và ngay cả trong cấu trúc tổ chức của Ngân hàng cũng được thiết kế để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Đối với những phân khúc khách hàng trọng tâm như doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân, khách hàng bán lẻ…, OCB hiện đã thành lập riêng một khối chuyên biệt để chuyên phục vụ sản phẩm, dịch cho cho các khách hàng này.
Với phương châm “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, Ngân hàng luôn cố gắng phục vụ đúng nhu cầu, mong muốn của khách hàng một cách tốt nhất nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng và xây dựng niềm tin nơi họ. Đó chính là thế mạnh cạnh tranh của ngân hàng OCB và toàn bộ định hướng hoạt động của Ngân hàng cũng được phát triển dựa trên quan điểm đó.
*Ông nghĩ làn sóng hội nhập hiện nay có gây sức ép lên quá trình hồi phục của ngành ngân hàng, đặc biệt là sự cạnh tranh từ khối ngân hàng nước ngoài?
-Tôi cho rằng sự cạnh tranh là điều tất yếu trong kinh doanh, và ngành ngân hàng cũng không ngoại lệ. Nhiều khi cạnh tranh còn đem lại cảm hứng cho việc đổi mới, thúc đẩy ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn mức họ kỳ vọng. Và hội nhập là cơ hội để các ngân hàng “tăng tốc”, bằng cách đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và cung cấp cho họ dịch vụ tốt nhất, hiện đại nhất không kém gì khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới. Đơn cử, tại các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực, các ngân hàng “mạnh” nhất trên thế giới đều có mặt tại đây, tuy nhiên các ngân hàng bán lẻ tốt nhất lại là những ngân hàng nội địa của các quốc gia này.
Nói thế để biết rằng, bên cạnh việc đánh giá lại hệ thống quản trị, nắm bắt các vấn đề công nghệ, đổi mới sản phẩm, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu khách hàng, lấy họ làm trọng tâm phát triển thì sẽ hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Hiện khả năng tiếp cận thông tin của các ngân hàng Việt Nam không thua kém so với với các ngân hàng ngoại quốc. Mới đây, ngân hàng OCB vừa hợp tác chiến lược với các công ty hàng đầu thế giới như Tập đoàn Microsolf, Gartner,.. nhằm tư vấn nội bộ cho Ngân hàng về định hướng phát triển và cập nhật thông tin thường xuyên, nhờ đó giúp OCB nhanh chóng nắm bắt những đổi mới công nghệ và thay đổi hệ thống quản trị theo kịp xu hướng chung toàn cầu.
*Nói về đổi mới công nghệ, gần đây có không ít sự kiện liên quan đến khả năng bảo mật của một số ngân hàng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
-Tôi không nói tất cả, nhưng hầu hết các ngân hàng đang sở hữu dịch vụ bán lẻ tốt trên thị trường Việt Nam hiện nay đều có hệ thống bảo mật tốt không thua kém các ngân hàng nước ngoài. Cách đây khoảng 10 năm, khi hệ thống Core Banking bắt đầu được triển khai, các ngân hàng chọn mua gói ứng dụng của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới bao giờ cũng đi kèm hệ thống bảo mật tương xứng. Và các hệ thống bảo mật này sau đó được Cục Công nghệ Thông tin của NHNN quy chuẩn hóa bằng các quy chế riêng nên nếu ngân hàng không đáp ứng đúng các yêu cầu đó sẽ bị NHNN phạt, thậm chí không được phép tiếp tục hoạt động. Do đó, khi lắp đặt hệ thống bảo mật thông tin, bên cạnh mục đích đảm bảo quyền lợi khách hàng giống như những ngành khác, ngành ngân hàng còn được sự quản lý rất chặt và kiểm tra thường xuyên từ phía NHNN.
Dù vậy, không thể phủ nhận các vụ tấn công của tội phạm tin học vào hệ thống ngân hàng ngày càng tinh vi. Nếu tấn công trực tiếp vào ngân hàng gặp khó khăn thì chúng sẽ tấn công gián tiếp, tức tấn công từ người dùng thay vì đột nhập vào hệ thống an ninh của ngân hàng. Những sự việc đáng tiếc diễn ra gần đây cũng giúp các ngân hàng có kinh nghiệm để bảo vệ tốt khách hàng của mình, từ đó nâng cao hệ thống cảnh báo đến khách hàng. Thậm chí, với những ngân hàng thực sự có trách nhiệm và khách hàng thực sự có nhu cầu thì ngân hàng cũng nên chia sẻ các phương án bảo mật và cách thức bảo mật khi thanh toán, sử dụng các ứng dụng trên internet, mobile…
*Nhìn lại 20 năm hình thành và phát triển, OCB đã đạt được những thành tựu nào, thưa ông?
Trong suốt 20 năm thành lập, thành tựu lớn nhất mà Ngân hàng đạt được chính là vị thế của OCB trong lòng khách hàng sử dụng dịch vụ hiện nay. Được thành lập từ năm 1996, chỉ trong vòng vài năm sau, OCB đã nhận được sự tín nhiệm từ đông đảo khách hàng và được đánh giá là một ngân hàng rất tận tâm, thân thiện với khách hàng. Từ năm 2010 trở đi, với sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, ngân hàng OCB cũng đã có nhiều thay đổi cơ bản trong hệ thống quản trị điều hành lẫn chiến lược hoạt động. Dù vậy OCB luôn cố gắng kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi, lấy khách hàng làm trọng tâm phát triển.
Có thể nói ngân hàng OCB đã đi qua thời kỳ khó khăn của nền kinh tế và giai đoạn rất khó khăn của ngành ngân hàng nhưng OCB cũng là một trong những ngân hàng “về đích” sớm nhất trong việc tái cơ cấu. Các chỉ số hoạt động của Ngân hàng cũng luôn đảm bảo ở mức dưới giới hạn cho phép của NHNN. Những thành tựu này tuy không quá nổi bật nhưng lại tạo nền tảng vững chắc giúp OCB phát triển lâu dài.
*Để xây dựng được nền tảng vững chắc như vậy, OCB đã có những giải pháp xây dựng đội ngũ nhân sự như thế nào?
- Con người là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với ngân hàng OCB. Thực tế, mọi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, chiến lược phát triển mang tính chất dài hạn của Ngân hàng bao giờ cũng gắn liền với mục tiêu phát triển nhân sự. Từ nhiều năm trước, OCB đã xây dựng các chương trình phát triển tài năng, không chỉ tạo điều kiện giúp nhân viên có lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng mà còn tạo môi trường làm việc thân thiện, công bằng, đủ sức hấp dẫn các lao động có năng lực giỏi gia nhập vào OCB. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn tổ chức chương trình OCB Future Leader nhằm tuyển dụng các sinh viên tài năng và cho các bạn cơ hội được làm việc với các chuyên gia hàng đầu của ngân hàng hoặc các chuyên gia mời từ bên ngoài vào.
*Bên cạnh tuyển dụng các tài năng trẻ, gần đây OCB còn chú trọng hợp tác với các quỹ khởi nghiệp. Mục đích của hoạt động này là gì, thưa ông?
-Tôi tin rằng ở giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế cũng có những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Cách đây 15 năm, TP. Hồ Chí Minh đã có những Câu lạc bộ doanh nghiệp ra đời nhằm hỗ trợ các DN mới thành lập (khi đó chưa gọi là DN khởi nghiệp) và cá nhân tôi khi đó hoạt động trong ngành ngân hàng đã tham gia vào câu lạc bộ trên nhằm hỗ trợ tư vấn tài chính cho những DN này. Thông thường, DN khởi nghiệp dù chưa có nhu cầu vay vốn lớn nhưng lại cần sự tài trợ nhanh chóng, phù hợp mục đích kinh doanh và cần được tư vấn tận tâm từ ngân hàng trong suốt quá trình kinh doanh.
Nắm bắt điều đó, OCB đã cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với chu kỳ phát triển của DN. OCB cũng là một trong ba ngân hàng tham gia vào Quỹ khởi nghiệp do TP.HCM khởi xướng và đưa ra cam kết tài chính nhất định hỗ trợ đối tượng DN này. Mới đây, ngân hàng OCB đã thành lập khối SMEs chuyên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, đồng thời xây dựng một mô hình riêng dùng đánh giá tín nhiệm của DN bằng cách sử dụng ít tiêu chí tài chính mà thay vào đó là những tiêu chí, hướng đến năng lực của người khởi nghiệp, kinh nghiệm làm việc của họ trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời xét đến tính khả thi của dự án, quyết tâm và kế hoạch kinh doanh của người khởi nghiệp.
*Cám ơn ông về những chia sẻ!
Theo DNSG