Ông Ngô Xuân Tiệc - Tổng Giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa: Người nghiên cứu công nghệ trị…rác

Sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hiện đại, cùng với sự hình thành nhiều đô thị tập trung dân cư đông đúc, một mặt đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của con người, nhưng mặt khác cũng đặt toàn nhân loại đối mặt với nạn hủy hoại môi trường, trong đó có những hậu họa nghiêm trọng do chất thải rắn gây ra.

Trong quá trình công nghiệp hóa, chất thải từ sản xuất và tiêu dùng đang tăng theo cấp số nhân, làm cho môi trường ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nạn ô nhiễm môi trường trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn là điều khó tránh khỏi dẫn đến những hệ lụy như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước qua nước thải kỹ nghệ, ô nhiễm do phế thải rắn trong sản xuất công nghệ, trong sinh hoạt hằng ngày của người dân...

TSN 3

Thực trạng về rác

Hằng ngày, các tỉnh, thành phố trong cả nước phải đối mặt với khối lượng rác thải lớn lên đến hàng nghìn tấn. Việc xử lý khối lượng rác thải quá lớn trong điều kiện chưa được phân loại đầu nguồn tại Việt Nam là một thách thức khắc nghiệt. Những tạp chất nguy hại trong rác sẽ phá hủy cấu trúc của các thiết bị xử lý trong một thời gian rất ngắn, nếu không có kinh nghiệm dày dạn và chuyên môn sâu trong lĩnh vực này thì dù có áp dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài cũng không thể xử lý một cách hiệu quả và triệt để.

Chính phủ đã có nhiều chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xử lý “thảm họa rác”, nhưng cho đến nay việc đầu tư chưa nhiều bởi lẽ việc đầu tư đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ và vốn rất lớn. Đã có nhà đầu tư từ nước ngoài vào TPHCM, nhưng lại tìm cách rút nhiều tiền nhà nước, mà bãi chôn lấp rác lại gây thêm họa ô nhiễm kép, gây bức xúc trong dư luận. Các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị vì giá thành và chi phí vận hành rất cao. Bất cứ mắt xích nào trong dây chuyền thiết bị bị hỏng hóc mà không được sửa chữa, thay thế kịp thời sẽ làm dồn đọng một lượng rác lớn chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế, để có thể thành công trong việc xử lý triệt để và hiệu quả rác thải công nghiệp và sinh hoạt cũng như rác thải nguy hại tại Việt Nam, các nhà đầu tư phải dũng cảm, chấp nhận trả giá đắt để nghiên cứu thử nghiệm, đồng thời phải tích lũy nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực này sao cho thích ứng với nguồn rác thải cực kỳ phức tạp tại nước ta. Trên thực tế, đã có nhà máy với thiết bị công nghệ hiện đại nhập từ nước ngoài về chỉ sau một thời gian ngắn đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Một lần, được nghe ông Ngô Xuân Tiệc nói chuyện về rác một cách say sưa, lập luận chặt chẽ như một nhà triết học. Khi nền kinh tế phát triển thì kéo theo nó là rác thải. Cuộc sống tinh thần còn có rác, nói gì cuộc sống sinh học. Ô nhiễm môi trường – trong đó rác thải là nguy cơ thấy rõ hàng ngày – đang là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của con người. Rác – với tư duy mới hiện nay – đang là vấn đề bức xúc đe doạ sự tồn tại của con người, rộng ra là sự tồn tại của nhân loại, của mỗi quốc gia. Con người sinh ra rác và rác lại là thủ phạm làm hại con người. Cái vòng sinh tồn cứ quay, quay mãi từ khi con người có mặt trên trái đất này. Có điều ngày nay, cái vòng đó đang siết chặt cuộc sống của con người với mức độ nguy hiểm hơn…

Nghiên cứu cách trị rác

Trong những lần đứng giữa những bãi rác tít tắp bốc mùi nào đó, ông Tiệc thường đăm chiêu suy nghĩ là làm thế nào để chiến đấu với rác và “khống chế” rác. Đây chính là nguồn nguyên liệu vô tận đẻ ra tiền. Nói không ngoa rằng Ngô Xuân Tiệc là một trong những “khắc tinh” của rác bằng cách nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý rác thải rắn theo mô hình “an sinh” với hệ số an toàn, hiệu quả cao và rất… Việt Nam.

Cũng đã có những nhà đầu tư nước ngoài khác vào Việt Nam, nhưng công nghệ của họ quá đắt, chúng ta không kham nổi việc cân đối tài chính cho họ, mà công nghệ đó lại không khả thi đối với các chủng loại rác phức tạp ở nước ta. Bởi vậy, một tỉnh ở cửa ngõ TPHCM như Long An quyết tâm xây dựng nhà máy xử lý rác với “đối tác” là chủ đầu tư trong nước, theo công nghệ nội, vốn nội, nhân lực nội như ở Long An là điều rất đáng hoan nghênh.

TSN 1

Suất đầu tư theo công nghệ và hợp đồng kinh tế với Tâm Sinh Nghĩa thường thấp mà chất lượng lại cao, bởi vì khai thác, phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia Việt Nam và cũng tranh thủ được sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Vì mang hết tâm, trí và vốn liếng vào 'nghiệp' chế biến rác, vì lòng chân thành, chịu khó học hỏi, sáng tạo, cho nên Tâm Sinh Nghĩa được các nhà khoa học hàng đầu nhiệt tình giúp đỡ. Phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tạo cho Tâm Sinh Nghĩa những ưu thế khá toàn diện trong xử lý rác thải theo quy trình tổng quát sau đây: tiếp nhận rác, cân điện tử, khử mùi hôi; tách tuyển rác cá biệt (lượm thủ công chuyên môn hóa trên băng chuyền liên tục); dây chuyền tự động phân loại rác; dây chuyền xử lý kiểm soát thành phần và kích thước rác hữu cơ dễ phân hủy; hệ thống tháp ủ phân giải hỗn hợp hữu cơ dễ phân hủy, dây chuyền tách tuyển mùn hữu cơ; dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ; tận dụng mùn vụn hữu cơ để sản xuất mùn hữu cơ vi sinh loại 2 phục vụ cải tạo đất đồi rừng ven biển; tận dụng bã xơ hữu cơ khó phân hủy làm chất đốt thu hồi nhiệt để sấy giảm ẩm mùn hữu cơ và sấy khô phế thải dẻo; dây chuyền công nghệ đóng rắn phế thải trơ và vô cơ; dây chuyền phân loại băm cắt nhỏ, làm sạch và sấy khô phế thải dẻo; dây chuyền tái chế phế thải dẻo; dây chuyền sản xuất các sản phẩm nhựa dẻo tái chế; lò đốt rác hữu cơ khó phân hủy, tận dụng nhiệt sinh và xử lý khói, bụi, khí độc hại. Qua các dây chuyền trong quy trình này thì hầu hết rác thải đã biến thành sản phẩm hữu ích, môi trường được bảo vệ đến mức cao nhất và lượng rác chôn lấp còn ở mức thấp nhất (chỉ vài ba phần trăm).

TSN 2

Trên cơ sở những ưu thế nêu trên, diện tích đất cấp cho các dự án xử lý rác sẽ tiết kiệm được hàng chục lần so với phương thức chôn lấp rác lâu nay, đồng thời còn góp phần ngăn chặn những móc ngoặc, tiêu cực trong việc xác định khối lượng rác để hưởng các loại phí từ ngân sách và từ đóng góp của xã hội theo phương thức cũ. Đất đai, nhất là đất đô thị, ngày càng đúng với câu 'tấc đất tấc vàng', bởi thế, phương thức chôn lấp rác ngày càng không còn phù hợp và công nghệ chế biến rác như của Tâm Sinh Nghĩa sẽ được lựa chọn rộng rãi trên cả nước.

HINH

Công nghệ Tâm Sinh Nghĩa đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Ngô Xuân Tiệc quyết tâm phấn đấu trong vài năm tới sẽ xây dựng, đưa vào vận hành thêm hàng chục nhà máy nữa nhằm biến rác thải sinh hoạt từ chỗ là thảm họa đối với con người được chuyển hóa thành nguồn nguyên liệu và hàng hóa thân thiện, hữu ích cho cộng đồng. Mong ước tốt đẹp nêu trên có nhiều triển vọng trở thành hiện thực, bởi bên cạnh tâm huyết và nỗ lực của doanh nghiệp luôn có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, trong đó có vai trò thường xuyên tham gia đóng góp trí tuệ, công sức của nhiều nhà khoa học hàng đầu cả nước.

Theo Tú Sương (Doanh nghiệp & Đầu tư)

Tags:

Nâng bước những Startup thành “kỳ lân”

Nền kinh tế số của chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào 2022 và 2023. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, cũng như làm “bàn đạp” vững chãi cho các doanh nghiệp lớn mạnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng được xác định là ba yếu tố góp phần nâng tầm vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế của các yếu tố này, cần khơi thông “điểm nghẽn” cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Di sản của Tổng giám đốc Sumitomo Jun Ohta

Ông chọn Việt Nam là 1 trong 4 thị trường trọng tâm và dưới sự điều hành của ông, Sumitomo đã đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực thị trường trọng tâm.