Nước cờ mới của CEO Điện Quang
Bước lùi tạm
Là một trong những doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả kinh doanh hàng đầu thị trường suốt từ năm 2014 - 2015 và đầu năm 2016, nhưng từ giữa năm 2016, cú sốc đến với Điện Quang.
Ngành chiếu sáng chứng kiến sự phát triển bùng nổ các sản phẩm chiếu sáng LED. Với các ưu điểm như hiệu suất năng lượng cao, bền, thân thiện với môi trường và đặc biệt là giá bán các dòng sản phẩm LED phổ thông gần như ngang bằng với các loại đèn truyền thống, chiếu sáng điện tử đã thực sự tạo ra cuộc cách mạng trong ngành chiếu sáng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Thách thức ập đến từ số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh chóng, trong khi cơ quan quản lý chưa có hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước.
Điện Quang bị cạnh tranh dữ dội từ hàng Trung Quốc, chất lượng không cao nhưng có giá bán cực thấp, chiết khấu lên tới 40%, trong khi con số này với Điện Quang chỉ vào khoảng 10 - 15%.
Điều này đã khiến các đại lý không mặn mà chào bán sản phẩm của hãng. Nhân viên bán hàng bị câu kéo, chảy máu chất xám khiến bộ phận bán hàng của Điện Quang lao đao.
Sẵn sàng cho những giấc mơ lớn
Vốn là một kỹ sư chuyên ngành khoa học máy tính, kết hợp với tính thực tiễn của một thạc sỹ quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, những dự án mà ông Hưng và các cộng sự đang tập trung đầu tư, triển khai hội tụ đủ các đặc tính này.
DQC thành lập khối Intenet vạn vật (IoT) chuyên sâu trong mảng nghiên cứu, ứng dụng để cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ như hệ sinh thái thông minh. Dự kiến các dòng sản phẩm đầu tiên sẽ được tung ra thị trường trong năm 2018.
Công ty cũng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và đưa nhà máy sản xuất các sản phẩm chiếu sáng, thiết bị điện tử công nghệ cao tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào hoạt động trong quý III/2018 với kinh phí 600 tỷ đồng.
Điện Quang sẽ ứng dụng rộng rãi xu hướng ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED kết nối với các hệ thống điều khiển và hệ sinh thái thông minh.
Trong thời gian tới, hành trình mới của Điện Quang sẽ có thêm các đối tác lớn cùng đồng hành. Chẳng hạn cái bắt tay mới đây với FPT. Theo đó, FPT sẽ chịu trách nhiệm phát triển toàn bộ phần mềm điều khiển ứng dụng trên thiết bị di động; phối hợp cùng Điện Quang viết phần mềm nhúng cho sản phẩm hợp tác; xây dựng các thư viện và giao thức lập trình cho các đối tác phát triển giải pháp mới qua nền tảng điện toán đám mây… Điện Quang chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển phần cứng gồm thiết bị và bản mạch điện tử; sản xuất sản phẩm…
Sản phẩm có thể điều khiển từ điện thoại thông minh, kết hợp với các ứng dụng tiện ích khác như đặt lịch, bật tắt đèn theo nhóm hoặc từng phòng..., chip LED sẽ được sản xuất tại nhà máy của Điện Quang và phần mềm do FPT phát triển.
Do không bị phụ thuộc vào bất kì tài nguyên hay giải pháp nào của nước ngoài nên sản phẩm dễ dàng tùy chỉnh tính năng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người Việt, có khả năng điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt.
“Sản phẩm riêng lẻ đã có, nhưng chúng tôi cần có thêm thời gian để kết nối thành hệ thống. Và nhất định, giá thành sản phẩm chắc chắn phù hợp với người Việt Nam”, ông Hưng cho biết và chia sẻ thêm, sau những sản phẩm đầu tiên tập trung vào lĩnh vực chiếu sáng, hy vọng sau này có thêm nhiều sản phẩm khác.
Là nhà khoa học ẩn sâu trong một con người doanh nhân, bởi vậy quan điểm của Chủ tịch DQC rất rõ ràng: Có sản phẩm mới phải chiếm lĩnh được thị trường, nếu chỉ dừng ở nghiên cứu thì không có ý nghĩa. Ứng dụng của khoa học, công nghệ phải bước vào cuộc sống và trợ giúp, đem lại sự tiện lợi cho người dùng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra xu thế thông minh hóa trên mọi lĩnh vực. Sự ra đời của các thiết bị IoT (các thiết bị thông dụng được thông minh hóa nhờ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và kết nối qua mạng Internet) đã và đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, kinh doanh, cách sống, làm việc, giải trí và kết nối. IoT được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội như hỗ trợ cảnh báo để người lái xe đi an toàn hơn, thiết bị tự hành để chuyển hàng, bưu kiện trong các nhà máy, những chiếc bóng đèn không chỉ để chiếu sáng mà còn trở thành thiết bị giải trí của con người…
Theo dự báo của Gartner, thị trường IoT trên toàn cầu đến năm 2020 sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị và doanh số đạt gần 3.000 tỷ USD. Thị trường các thiết bị gia dụng (như máy giặt, điều hòa, ti vi, tủ lạnh, đèn chiếu sáng…) sẽ chiếm gần 50%. Các hãng công nghệ không còn tập trung vào phát triển các thiết bị độc lập nữa mà chuyển sang xu hướng kết nối các thiết bị với nhau qua Internet để tạo thành các hệ sinh thái IoT. Có thể kể đến các hệ sinh thái IoT tên tuổi lớn như Google Home (Google), Mi Ecosystem (Xiaomi), Smarthings (Samsung), Amazon Echo (Amazon)…
Nhập vào dòng chảy công nghệ trên thế giới để đón đầu xu hướng mới là giấc mơ mà doanh nhân Hồ Quỳnh Hưng và các cộng sự đang say mê theo đuổi. Biết là không đơn giản, nhưng không đi sẽ không tới.
“Chúng tôi đang nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu”, ông Hưng chia sẻ về những dự án lớn của mình.
Ngọc Lan Theo Tinnhanhchungkhoan