Nữ sinh vay tín dụng đen 10 triệu đồng đóng học, sau gần 1 năm nợ 300 triệu đồng

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM (HUFI) - nơi nữ sinh này theo học, đã phát đi cảnh báo tới toàn bộ sinh viên trong trường về tình trạng vay "tín dụng đen".

Chiều 15/11, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM (HUFI) đã đăng tải lên trang thông tin điện tử của trường, cảnh báo sinh viên về vấn đề vay "tín dụng đen". Nguyên nhân đến từ việc một sinh viên HUFI đã rơi vào bẫy tín dụng đen và gánh khoản nợ lớn.

Trả lời VnExpress, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết vào tháng 11/2020, bạn T (sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại HUFI) không may đánh mất khoản tiền 10 triệu đồng gia đình gửi để đóng học phí.

Vì đánh mất một số tiền lớn, bạn T rất sợ nên đã không nói với gia đình và đi vay trực tuyến với lãi suất cao, dự định chi tiêu tiết kiệm và làm thêm để trả nợ. Đến lúc khoản nợ đáo hạn, chưa có tiền trả nên sinh viên T được giới thiệu qua các ứng dụng vay tiền khác.

Tuy nhiên sau gần 1 năm, số tiền vay và lãi đã lên đến 300 triệu đồng. Nữ sinh liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa nên đã thú nhận với gia đình. Theo tài liệu được gia đình cung cấp, T đã vay tiền ở hàng chục ứng dụng khác nhau, lãi mẹ đẻ lãi con.

Đại diện trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM (HUFI) cho biết đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng sinh viên vay "tín dụng đen" với lãi suất cao. Nhà trường đã nhiều lần cảnh báo nhưng sinh viên vẫn mắc phải.

Trong văn bản thông báo mới được phát đi, Trường ĐH này yêu cầu sinh viên nghiêm túc thực hiện các nội dung:

- Tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố.

- Tuyệt đối không cung cấp thông tin sinh viên, thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc thông tin kê khai trên các ứng dụng hoặc diễn đàn không rõ ràng. Không lợi dụng, lôi kéo người khác tham gia hoặc cung cấp thông tin cá nhân của người khác khi chưa được cho phép.

- Khuyến cáo toàn thể sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính thì liên hệ Phòng Công tác Sinh viên & Thanh tra Giáo dục để được hỗ trợ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video