Nở rộ cà phê rang xay nguyên chất
Các quán cà phê nguyên chất xay tại chỗ ngày càng nhiều lên, nhiều chuỗi cà phê lớn công bố chỉ bán cà phê 100% không pha trộn.

Không dễ đứng vững
Tuy vậy, tham gia mảng cà phê này không phải ai cũng thành công. Anh V.C.V, chủ một công ty cà phê rang xay ở quận 9 (TP HCM), cho biết sau 4 năm hoạt động, công ty đang thu hẹp sản xuất do thị trường khó khăn.
"Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt trên kệ ở nhiều siêu thị nhưng sau phải rút do không đạt doanh số. Thực sự cà phê nguyên chất rất kén khách. Mời 10 khách dùng thử thì 9 khách chê cà phê dở vì đã quen với cà phê phải đen, đậm đà, sánh trong khi cà phê thật màu cánh gián, hơi chua và nhìn hơi lõng bõng. Cà phê nguyên chất cũng khó vào các quán cà phê hiện nay vì chủ quán phải chiều theo sở thích số đông khách hàng. Tôi để ý thấy một số quán treo bảng cà phê nguyên chất nhưng vẫn bán thêm cà phê độn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Chỉ các DN tài chính mạnh hoặc dự án khởi nghiệp có nhà đầu tư hậu thuẫn mới có khả năng phát triển phân khúc này và đợi lợi nhuận ở tương lai" - ông V. nhìn nhận.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cũng thừa nhận thách thức lớn nhất trong lĩnh vực cà phê rang xay hiện nay vẫn là thay đổi thói quen về khẩu vị của người tiêu dùng Việt. "Hàng chục năm qua, thị trường cà phê Việt Nam đã quen với bắp, đậu nành nên việc thay đổi phải là một quá trình lâu dài. Với kinh nghiệm hơn 9 năm bắt đầu với dòng cà phê nguyên chất tại thị trường nội địa tôi thấy phân khúc này tăng trưởng khá chậm, chỉ khoảng 5%-7%/năm" - ông Thông nhận xét.
Đã xây dựng được thương hiệu cà phê Long Triều, có mặt trong tất cả siêu thị thuộc chuỗi Big C nhưng ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc Công ty Cà phê Long Triều, cũng thừa nhận để tồn tại được ở thị trường này không hề dễ. Ông tính toán chỉ trong phạm vi nhỏ là TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có hơn 50 nhà cung cấp cà phê rang xay. "Rang cà phê không khó cộng thêm nhu cầu tiêu thụ cà phê sạch gia tăng nên ngày càng nhiều cơ sở nhỏ nhảy vào, họ không chịu nhiều chi phí nên cạnh tranh mạnh về giá" - ông Triều nói.
Để bán được hàng, ở kênh siêu thị, Long Triều thường xuyên tổ chức các đợt giới thiệu sản phẩm, cho khách hàng dùng thử. Ở kênh phân phối truyền thống thì bán trực tiếp cho khách hàng và đẩy mạnh bán hàng online, không qua trung gian phân phối để bảo đảm giá tốt và khách hàng được hưởng ưu đãi thật sự trong những đợt khuyến mãi.
Dù vậy, ông Phạm Minh Thông nhìn nhận tiềm năng của thị trường cà phê rang xay nguyên chất tại Việt Nam rất lớn và nhiều triển vọng trong tương lai. "Gần đây, có nhiều DN cà phê lớn và nhiều dự án khởi nghiệp tham gia phân khúc này đã tạo ra một cộng đồng sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cà phê nguyên chất. Nhiều DN tham gia cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, thị trường phát triển tốt hơn" - ông Thông đánh giá.
Phải có chất riêng
Ông Hà Vũ Bảo Giang, chủ chuỗi 14 cửa hàng Z cafe ở Biên Hòa (Đồng Nai), đang chuẩn bị kế hoạch để tiến về thị trường TP HCM, cho biết lĩnh vực cà phê, rất nhiều thương hiệu nhỏ gia nhập thị trường trong thời gian gần đây đã tạo nên sự đa dạng nhưng cũng thêm phần phức tạp. "Kinh doanh chuỗi cà phê sạch vẫn rất hấp dẫn. Cạnh tranh giữa các chuỗi không chỉ là về chất lượng, khẩu vị mà còn ở marketing, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng... Ở Z Cafe, chúng tôi có nguồn cà phê rang xay theo công thức riêng để tạo sự khác biệt, đồng thời mang lại những trải nghiệm rất riêng cho khách hàng" - ông Giang cho biết.
Theo Ngọc Ánh - Thanh Nhân Người Lao Động