Nhiều dự án FDI có vốn “khủng”
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015; các dự án này đã giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài lựa chọn, tin tưởng qua hàng loạt dự án có vốn đầu tư “khủng”.
Nhiều dự án lớn
Theo số liệu của hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9/2016 cả nước có 1.820 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng đến thời gian thống kê này, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Các NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với 767 dự án đầu tư đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,15 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 649 triệu USD, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư.
Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,58 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với 1,84 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản xếp thứ 3 với là 1,7 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.
Trong đó, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 37 dự án cấp mới và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư; Hà Nội đứng thứ 2 và tiếp theo là Đồng Nai và Bình Dương.
Mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy Việt Nam tiếp tục được các NĐT nước ngoài lựa chọn qua hàng loạt dự án lớn, như dự án 1,5 tỷ USD của LG Display ở Hải Phòng, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung 300 triệu USD, dự án điện gió Trà Vinh giai đoạn II 247,6 triệu USD, dự án Midtown 225,6 triệu USD ở TP.HCM…
Theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, dự báo đến cuối năm, vốn FDI đăng ký chỉ tăng 10 - 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện có một số dự án điện BOT nộp hồ sơ xin cấp GCNĐT với bình quân vốn khoảng 2 tỷ USD/dự án; nên khả năng vốn FDI cả năm có thể tăng 15 - 20% so với năm ngoái.
Dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2016, Việt Nam có thể thu hút được 25 tỷ USD vốn FDI, và giải ngân khoảng 15 tỷ USD.
Đông Nam Bộ vẫn là trọng tâm
Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ năm 2016 với chủ đề “Hội nhập Quốc tế – Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” vừa tổ chức hồi tháng 9 năm nay cho thấy, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước trong việc thu hút vốn FDI. Đã có 11.537 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 140,2 tỷ USD vào các tỉnh Đông Nam bộ, chiếm 57,4% về số dự án và 48,4% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Trong đó có 55,8% số dự án và 58% các dự án vốn FDI của vùng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.
Với vai trò là khu vực năng động, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn FDI vào toàn vùng đạt gần 60 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm từ 45% - 55% vốn FDI của cả nước. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tính theo độ mở cửa kinh tế đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, khu vực Đông Nam Bộ có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước. Đông Nam bộ cũng có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 – 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, khu vực này đang bộc lộ nhiều vấn đề trong liên kết và tăng trưởng bền vững. Cụ thể, có nhiều tỉnh trong khu vực luôn dẫn đầu cả nước về mức tăng trưởng GDP, thu hút FDI và khả năng cải thiện môi trường kinh doanh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng những tỉnh khác không nằm trong vùng lõi như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Liên kết vùng hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế vẫn còn lỏng lẻo và chưa đồng bộ.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng đầu năm 2016:
- Dự án LG Display Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display Hàn Quốc đầu tư, sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng...
- Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Hàn Quốc đầu tư, sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng.
- Dự án thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do NĐT Thái Lan đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.
- Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Samsung Electronics Việt Nam đầu tư nhằm tổ chức các hoạt động R&D cho các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.
- Dự án Seoul Semiconductor Vina, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do NĐT Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nam nhằm nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lắp ráp và gia công bóng LED (LED Chip), gói LED (LED package), các sản phẩm bán dẫn, linh kiện LED (LED components), mô – đun LED (LED module).
Cả nước xuất siêu hơn 3,72 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan vừa công bố, sau 9 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của VN đạt gần 128,58 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hơn 124,86 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt gần 89,93 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu vẫn là sản phẩm điện thoại và linh kiện với trị giá 25,5 tỷ USD, đứng thứ hai là hàng dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 17,79 tỷ USD.
Minh Kiệt