Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng: Người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam
Sáng tạo – tiêu chí cần thiết và cấp bách – để tạo ra những sản phẩm tiết kiệm cho ngành nông nghiệp và nông dân hàng ngàn tỷ đồng, giảm hàng triệu ngày công lao động mà vẫn có những vụ mùa bội thu, Phạm Hoàng Thắng (Giám đốc Công ty TNHH SX Máy NN Hoàng Thắng, Cần Thơ) đã tự tìm tòi, nghiên cứu, sản xuất thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 3 dòng sản phẩm máy nông nghiệp: Công cụ gieo lúa theo hàng, Xe phun xịt dung dịch, Máy gặt đập lúa liên hợp.
Khởi nguồn theo đuổi ước mơ
Năm 2000, anh nghiên cứu sáng chế thành công máy gieo hạt theo hàng bằng nhựa nguyên sinh và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Từ thành tựu này, năm 2003 anh tiếp tục sáng chế xe phun xịt dung dịch tạo hiệu quả hơn và tránh được độc hại trong phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Năm 2007, nghiên cứu chế tạo thành công máy gặt đập lúa liên hợp. Máy gặt đập lúa liên hợp thương hiệu Hoàng Thắng có giá thành thấp, khi gặt ít hao hụt thất thoát, năng suất cao, gọn nhẹ, dễ di chuyển trên đồng ruộng sình lầy, cắt được lúa ngã đổ, lúa ướt mưa, khắc phục đươc những nhược điểm của các loại máy ngoại nhập. Máy tạo ra năng suất rất cao: 5ha/ngày/3 người. Giá thành chỉ 300 triệu đồng/máy, trong khi máy ngoại nhập giá khoảng 600 triệu đồng/máy. Bộ 3 sản phẩm của anh đã đồng hành cùng người nông dân từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Chúng không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước có trồng lúa trong khối ASEAN, Banglades và một số nước châu Phi...
Vươn lên thành công
Trong Cuộc thi sáng chế do Bộ KH&CN tổ chức năm 2013, Máy gặt đập lúa liên hợp thương hiệu Hoàng Thắng đã đạt giải Nhất. Năm sau, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục: "Chiếc máy gặt, đập lúa đạt nhiều giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”. Ngoài ra, Phạm Hoàng Thắng cũng đã đạt được những giải thưởng cao quý từ Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ NN & PTNT, Bộ Công thương, Bộ KH&CN nhiều năm liền, đáng kể nhất là danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam – Lào – Campuchia do Vương quốc Campuchia trao tặng năm 2009... Cuối tháng 07/2015, hồ sơ luận án Tiến sĩ danh dự của nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng đã được Hội đồng khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới công nhận danh hiệu Nhận được nhiều giải thưởng nhất trong việc phát minh máy móc nông nghiệp” (Most Awards for Inventing Agricutural Machines) và anh đã được cấp bằng Tiến sĩ danh dự trong dịp Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 30 (29/8/2015).
Theo Phạm Hoàng Thắng, đam mê sáng chế là điều luôn được khuyến khích, tuy nhiên, chúng ta không nên sáng chế theo ý mình mà phải sáng tạo theo nhu cầu của xã hội. Con đường sáng tạo luôn gặp những khó khăn, thách thức, chúng ta phải vượt qua bằng lòng kiên trì, nhẫn nại, với niềm đam mê và quyết tâm cao, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh lợi ích, hạnh phúc cá nhân mới biến được ước mơ thành hiện thực.
Tiếp tục chinh phục thử thách
Dường như niềm đam mê nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị hỗ trợ cho nông nghiệp chưa bao giờ vơi trong trái tim nhiệt huyết của người nhà khoa học không chuyên Phạm Hoàng Thắng. Hiện tại, đang bảo vệ đề tài: Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo thiết bị gieo hạt (cải tiến và phát triển sáng chế 3399) thuộc Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia. sản xuất ra một loại nông cụ gieo hạt tự động hoàn toàn mới bằng kỹ thuật tự động hóa, theo nhu cầu nông học, đạt năng suất cao hơn so với kiểu gieo trước đây. Đồng thời đang thực hiện dự án: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất máy gặt đập lúa (Khai thác, áp dụng sáng chế máy gặt đập lúa bằng sáng chế số: 6641 cấp ngày 09/10/2007) theo nhu cầu đặt hàng của Bộ KH&CN, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Chế tạo ra máy gặt đập lúa chất lượng như máy Nhật mà giá như máy Trung quốc . Mặt khác, Hoàng Thắng cũng đang ấp ủ ước mơ “chế tạo Máy sấy di động” giúp người nông dân giảm chi phí, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm tổn thất trong khâu bảo quản.
Những sáng chế của Phạm Hoàng Thắng đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền nông nghiệp cả nước, nó thật sự là một đòn bẩy góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một thời kỳ mới – thời kỳ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để tăng năng suất và hiệu quả, đồng thời giảm bớt vất vả cho người nông dân. Bản thân ông chỉ mong mỏi Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà sáng chế sản xuất máy móc phục vụ cho ngành nông nghiệp nước nhà. Hy vọng với niềm đam mê sáng tạo và nhất là sự đồng cảm, chia sẻ với người nông dân Việt Nam, Phạm Hoàng Thắng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm thật sự hữu ích cho nền nông nghiệp trong nước và từng bước vươn ra thị trường thế giới.
P.H.T