Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh - Mô hình hàng không kiểu mẫu
Đúng như kế hoạch đặt ra, ngày 8/9/2016 sẽ trở thành cột mốc đáng nhớ khi Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh chính thức khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” tại tỉnh Khánh Hòa sau bao nỗ lực đầy tâm huyết của các đơn vị đầu tư. Khi những viên gạch đầu tiên được đặt xuống cũng chính là lúc chắp cánh cho giấc mơ bay của ngành hàng không Việt Nam vươn xa, khẳng định quyết tâm và kỳ vọng đưa sân bay quốc tế Cam Ranh chiếm giữ vị thế quan trọng, mang tính tiên phong về tiêu chuẩn, không hề thua kém mô hình các sân bay hiện đại trong khu vực về tầm nhìn khai thác hiệu quả cũng như tiện ích đẳng cấp.
Từ sân bay quân sự thành sân bay quốc tế
Được cải tạo chuyển đổi từ sân bay quân sự thành sân bay dân sự vào năm 2004, qua nhiều lần điều chỉnh công năng và quy mô cho phù hợp với diễn biến thị trường, đến nay Sân bay quốc tế Cam Ranh đã trở thành một cảng hàng không quốc tế được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến khi quyết định du lịch hay đầu tư tại thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa.
Những năm gần đây, số lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tăng cao. Năm 2014, đã có hơn 2,06 triệu khách, trong đó khách quốc tế gần 600.000 khách. Năm 2015, tổng lượng khách trong nước và quốc tế qua cảng hơn 2,7 triệu khách, trong đó khách quốc tế gần 900.000 khách, vượt 80% so với công suất thiết kế của nhà ga hiện hữu vốn chỉ 1,5 triệu khách/ năm. Theo số liệu mới nhất, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Sân bay Cam Ranh đã đón hơn 1,8 triệu khách. Tình trạng quá tải dù đã được lường trước vẫn là vấn đề nan giải mỗi khi lượng khách nước ngoài tăng mạnh bằng đường hàng không khiến khu vực nhập cảnh thường xuyên đông nghẹt khách. Dự kiến trong năm nay, sân bay có thể đón khoảng 4 triệu lượt khách. Chỉ tính riêng lượng khách Trung Quốc, mỗi ngày có 7 - 10 chuyến bay hạ cánh ở sân bay Cam Ranh, trung bình mỗi chuyến 150 - 180 người. Đặc biệt, nhiều chuyến bay đến sân bay Cam Ranh được xếp lịch sát giờ, khiến hành khách đổ dồn về nhà ga quốc tế cùng lúc, gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, việc tăng cường số lượng các chuyến bay quốc tế sử dụng máy bay thân rộng (code E) đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải nhanh chóng được nâng cấp. Vì vậy, việc xây mới nhà ga hành khách quốc tế trở thành nhu cầu cấp thiết đối với chiến lược phát triển kinh tế, du lịch của các thành phố lớn như Nha Trang, Cam Ranh nói riêng và cả tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Đáp ứng công suất 8 triệu khách năm 2030
Đánh giá cao vị trí chiến lược của sân bay Cam Ranh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với khả năng tiếp nhận các loại máy bay hiện đại với công suất đón khách đạt 3.800 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 8 triệu hành khách/năm.
Dự án “Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” được đầu tư bởi Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) thành lập theo Quyết định số 14718/BGTVT-QLDN ngày 4/11/2015 của Bộ Giao Thông Vận Tải. Dự án do liên doanh nhà thầu tư vấn quốc tế - Công ty CPG ConsultantPte Ltd, Công ty TNHH PAE và Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế xây dựng công trình hàng không (gọi tắt là liên doanh CPG - PAE - ADCC) thực hiện. Đây là một liên doanh đã thực hiện tư vấn thiết kế nhiều nhà ga hành khách tại Việt Nam như nhà ga quốc tế mới Đà Nẵng, Cần Thơ, Cát Bi Hải Phòng…
Theo dự kiến, dự án được chia thành 3 giai đoạn với tổng công suất đón 8 triệu khách/năm. Giai đoạn 1A và 1B lần lượt được thiết kế với công suất 2,5 và 4 triệu khách/năm. Khả năng đón giai đoạn 1A là 1.250 khách và giai đoạn 1B là 2000 khách (2 chiều đến và đi) trong giờ cao điểm. Kế hoạch đến năm 2030, nhà ga hành khách quốc tế sẽ đạt mức mục tiêu đặt ra là 8 triệu khách/năm. Với tổng diện tích khoảng 50.500mét vuông sàn được chia làm 2 tầng, giai đoạn 1 được thiết kế gồm 10 cửa ra máy bay với 4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa, trong đó có 4 cầu ống lồng đôi dành cho máy bay thân rộng Code E. Nhà ga được bố trí lắp đặt 2 đảo x 20 quầy làm thủ tục để phục vụ nhu cầu giai đoạn 1 nhưng thiết kế đủ để mở rộng thành 4 đảo x 20 quầy cho giai đoạn 2. Nhà ga hành khách quốc tế mới của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được thiết kế tận dụng tối đa quỹ đất và hiệu quả sử dụng để bắt kịp với những thay đổi trong sự phát triển của giao thông hàng không khu vực miền Trung. Dự kiến dự án sẽ thi công trong vòng 18 tháng và sẽ hoàn thành, vận hành thử vào tháng 3/2018.
Được xem như cửa ngõ đến với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dự án “Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hoạt động đầu tư, giao thương về công nghiệp sản xuất và chế biến thủy hải sản bên cạnh việc hỗ trợ tạo điều kiện cho khách du lịch đến với tỉnh Khánh Hòa – một trong những trung tâm văn hóa, du lịch trọng điểm với nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh cho biết: “Cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giao Thông Vận Tải và Tổng Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV), dự án còn là tâm huyết và công sức của tất cả tập thể từ Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc đến các nhân viên đang hàng ngày phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác uy tín vốn đã có bề dày kinh nghiệm, năng lực và thành tích tiêu biểu trong xây dựng công trình hàng không tại nội địa và nhiều quốc gia trên thế giới. Với khối lượng chất xám, chiều sâu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao được đầu tư vào dự án, chúng tôi muốn biến giấc mơ đem đến tầm cao mới về chất lượng và đẳng cấp dịch vụ hàng không quốc tế đến với Cam Ranh, Khánh Hòa, xứng với tiềm năng sẵn có của vùng đất này.”
Mô hình sân bay quốc tế hiện đại tại Việt Nam
Theo thông tin từ CRTC, tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án khoảng 4,000 tỷ đồng được triển khai đề cương tương đối chi tiết bao gồm toàn bộ kế hoạch thiết kế và thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, phân kỳ đầu tư, giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tại nhà ga hành khách. Nhà ga được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại với chất lượng dịch vụ phù hợp các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và bộ tiêu chuẩn thiết kế nhà ga hàng không của Việt Nam.
Theo thiết kế, mô hình khu vực nhà ga quốc tế Cam Ranh sẽ mang vẻ đẹp của chiếc tổ yến – sản phẩm quý giá có tính lịch sử và giá trị biểu tượng cho vùng đất Khánh Hòa hàng bao đời nay. Từ ý tưởng xuất phát từ “tổ yến”, các kiến trúc sư sẽ cân bằng với giải pháp từ quy hoạch đô thị, kiến trúc, thiết kế không gian và cảnh quan nhằm tạo nên công trình mang tính biểu tượng, ẩn chứa giá trị thương hiệu vùng miền và tiên phong trong khu vực.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Bản thân là người con Khánh Hòa lại có cơ duyên lập nghiệp và thành danh với lĩnh vực hàng không nên những gì tôi và các đồng nghiệp, đối tác đang trăn trở không gì hơn là đem đến những công trình mang tính biểu tượng cho vùng đất này, góp sức gia tăng sức mạnh và niềm tin để cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trong mắt của khách du lịch lẫn nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, nhà ga quốc tế Cam Ranh sau khi đưa vào hoạt động cũng sẽ được vận hành theo đúng tiêu chuẩn chất lượng 4 sao khá nghiêm ngặt, thể hiện quyết tâm đem đến chuẩn mực cấp quốc tế cho sự chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn trong quản lý điều hành, hạn chế tối đa tình trạng bất ổn chất lượng sau một thời gian phục vụ hành khách.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh không chỉ là cửa ngõ giao thương lý tưởng, cầu nối quan trọng giúp các nhà đầu tư, du khách đến Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ thuận tiện hơn, mà còn là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Nhà ga mới đi vào khai thác sẽ mở ra cơ hội phát triển về nhiều mặt cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận, cũng như thu hút các nhà đầu tư nội địa và quốc tế. Việc đầu tư mới và nâng tầm chất lượng dịch vụ Nhà ga Quốc tế, Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đến việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Khánh Hòa và mở rộng ra khu vực Nam Trung Bộ, là minh chứng theo đúng, theo sát chủ trương quyết liệt của Chính phủ kiến tạo nên xung lực mới, luồng gió mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nguyễn Ngân