Ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay ngắn hạn?
Việc giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ 40% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TTNHNN sẽ góp phần tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh hoạt động cho vay ngắn hạn.
Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng, tính đến hết tháng 8/2017, ước tăng khoảng 11,5% ytd – year to date, cao hơn mức tăng 10,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm và chỉ chiếm 54,1% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn mức 55,1% cuối năm 2016. Dư nợ ngắn hạn tăng 14,1% y/y – year/year và chiếm 45,9% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền, mặc dù tín dụng VND vẫn chiếm áp đảo 91,5%, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng 11,5% y/y, cao hơn nhiều mức tăng 1,7% cùng kỳ năm 2016, và tập trung chủ yếu nhóm NHTM cổ phần.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn 8 tháng 2017 ước tăng 9,1% ytd, thấp hơn mức tăng 11,4% cùng kỳ 2016. Trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng khoảng 8,7% y/y, hoạt động phát hành giấy tờ có giá (GTCG) và tiền gửi của Kho Bạc Nhà Nước lần lượt tăng mạnh 18,6% và 68% ytd. Tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của KBNN đạt 160.000 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp.
Trên thị trường liên ngân hàng, các mức lãi suất, đặc biệt lãi suất cho vay qua đêm, dường như đã tìm về vùng đáy. Tính đến cuối tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0,64%, theo sau bởi kỳ hạn 1 tuần (0,9%), 2 tuần (1,11%),…
Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, dự báo mức lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong 1-2 tháng tới trước khi bước vào chu kỳ hồi phục trong các tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ.
Trong khi nhu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và yếu tố vụ mùa làm gia tăng nhu cầu vốn, thanh khoản toàn hệ thống vẫn sẽ dồi dào khi mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21-22%. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TTNHNN đang gợi mở khả năng giãn tiến độ áp dụng tỷ lệ 40% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống từ 1/1/2019 thay vì 1/1/2018.
“Những điều này sẽ tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh hoạt động cho vay ngắn hạn, đặc biệt cho vay tiêu dùng, qua đó đóng góp vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, việc liên tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trung hạn cũng như rủi ro nợ xấu” – nhóm phân tích KIS Việt Nam nhận xét.
Việc sửa đổi dự thảo Thông tư 36 ghi nhận 2 nội dung quan trọng, bao gồm: Loại trừ nguồn vốn thứ cấp huy động từ các TCTD khác khỏi vốn tự có cấp 2 của TCTD phát hành nhằm tránh tình trạng tăng vốn áp khi các NHTM phát hành giấy tờ có giá cho nhau; Tăng hệ số rủi ro của các khoản tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ mức 20% lên 50%, qua đó hạn chế việc chuyển vốn lòng vòng giữa các ngân hàng.
Tỷ giá ổn định
Thị trường ngoại hối nhìn chung khá ổn định trong tháng 8. Tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch USD/VND tiếp tục đi ngang và lần lượt đạt 22.443 USD/VND và 22.727,5 USD/VND. Tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng 1,28% ytd trong khi tỷ giá giao dịch lại giảm nhẹ 0,19% ytd. Điều này do NHNN chủ động nâng tỷ giá trung tâm để đẩy mạnh mua vào ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Trong 7 tháng 2017, NHNN mua vào hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, thanh khoản tiền đồng và ngoại tệ trên thị trường dồi dào tạo điểm tựa cho sự ổn định của tỷ giá giao dịch.
Trên thị trường ngoại hối quốc tế, đồng US Dollar tiếp tục giảm giá khi chỉ số US Dollar Index giảm 0,33% m/m và 9,48% y/y tính đến cuối tháng 8. Tỷ giá USD/CNY giảm 2,03% m/m và 5,11% y/y.
Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng của tỷ giá trung tâm sẽ được phản ánh vào diễn biến tỷ giá giao dịch USD/VND trong các tháng cuối năm do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng cao cùng với nhu cầu thanh toán theo mùa vụ và do áp lực lên tỷ giá gia tăng khi Fed có thể tăng thêm lãi suất vào cuối năm.