Nâng cao chất lượng, bảo vệ gạo Việt trên thị trường quốc tế
![]() |
Thu hoạch lúa tại miền Tây. Ảnh: Nguyên Anh |
Xuất khẩu gạo trước áp lực giảm giá
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và phòng chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 7.3, những tháng đầu năm 2025, thị trường lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung tăng cao trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong nước, giá thu mua lúa giảm so với cùng kỳ năm 2024 do đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
![]() |
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Tạ Quang |
Diện tích gieo cấy lúa năm 2025 dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm 2024. Tuy nhiên, nhờ năng suất tăng, sản lượng lúa không có nhiều biến động. Sản lượng lúa khu vực ĐBSCL năm 2025 dự kiến đạt 24,057 triệu tấn, trong đó vụ Đông Xuân 2024 - 2025 ước đạt 10,772 triệu tấn.
Giai đoạn 2020 -2024, thị trường lúa gạo thế giới đối mặt với nhiều thách thức do nguồn cung giảm và một số nước hạn chế xuất khẩu. Năm 2025, tổng cung gạo toàn cầu có xu hướng tăng, gây áp lực giảm giá.
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2024 đạt mức kỷ lục 9 triệu tấn, trị giá 5,75 tỉ USD. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo giảm nhẹ về giá trị do giá gạo xuất khẩu trung bình giảm.
Tình trạng xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2019 - 2020, 2015 - 2016 và 2023 - 2024. Dự báo xâm nhập mặn sẽ giảm dần từ tháng 4.2025, trừ vùng hai sông Vàm Cỏ có thể kéo dài đến hết tháng 4 nếu không có mưa.
Nâng cao năng lực quản lý và điều tiết thị trường
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với hơn 80% sản lượng thuộc phân khúc gạo chất lượng cao.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tạ Quang |
Để nâng cao năng lực quản lý và điều tiết thị trường lúa gạo, Phó Thủ tướng đề xuất xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện. Hệ thống này sẽ tích hợp thông tin từ nhiều khâu, bao gồm sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, bảo quản, thị trường và dự báo. Mục tiêu là cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho các bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước.
Về quản lý xuất khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP, bổ sung các tiêu chí nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bao gồm năng lực liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và năng lực tài chính. Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động xuất khẩu lúa gạo.
Đối với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chiến lược ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu gạo Việt Nam ở nước ngoài, nhằm bảo vệ uy tín và vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![]() |
Quang cảnh hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và phòng chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tạ Quang |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng diện tích đất nông nghiệp, tập trung phát triển các vùng có năng suất cao và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh cơ cấu mùa vụ từ 3 vụ xuống còn 1 hoặc 2 vụ để nâng cao chất lượng sản xuất.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cập nhật dự báo dài hạn về hạn hán, xây dựng các giải pháp chủ động, đặc biệt là trong quản lý thời vụ và lựa chọn giống cây trồng phù hợp.