Muốn nhà đầu tư cá nhân hào hứng với trái phiếu phải liên kết với margin
Theo thống kê của SSI, trong 3 năm nay, khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thì có 80% phát hành cho ngân hàng, còn lại cho các quỹ đầu tư. Phát hành riêng lẻ hiện tại dễ thực hiện nhất và được ưa chuộng.
Sáng nay (5/8), CTCP Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI - HoSE) có buổi làm việc với đoàn công tác của Sở GDCK TP.HCM (HoSE) về việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chia sẻ về tình hình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đại diện SSI cho biết năm 2015, công ty phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, 500 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo, lãi suất 8,2%/năm, bán cho nhà đầu tư cá nhân và 300 tỷ đồng trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu tự doanh của SSI, lãi suất 7,175%/năm, bán cho ngân hàng.
Trái phiếu 300 tỷ đồng có kỳ hạn 2 năm, công ty mua lại định kỳ 6 tháng/lần.
Mới đây, SSI vừa hoàn tất phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 7%/năm.
Với tư cách là tổ chức phát hành, đại diện SSI nhận định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không gặp bất kỳ khó khăn nào do quy mô công ty lớn, tài sản nhiều. Vấn đề khi phát hành chỉ là đưa ra mức lãi suất như thế nào trên thị trường, nhưng qua 3 đợt phát hành thì lãi suất so với mặt bằng chung khá tốt.
Cách đây nhiều năm, SSI có thực hiện phát hành chuyển đổi ra công chúng gắn với giá cổ phiếu. Để phù hợp với đối tượng mua là nhà đầu tư cá nhân, SSI có chia nhỏ mệnh giá 500 triệu/trái phiếu. Mục đích của đợt phát hành không phải là huy động vốn mà hi vọng tạo ra sản phẩm mới cho nhà đầu tư cá nhân.
SSI kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư trái phiếu, thực hiện mua/bán trái phiếu đó hoặc cầm cố, thế chấp, hoặc bán lại cho SSI nếu họ cần tiền. Tuy nhiên, mua xong thì nhà đầu tư giữ lại, không giao dịch rộng rãi bên ngoài, mặc dù các thủ tục mua bán tại SSI đều rất dễ. Vì vậy, SSI nhận thấy trái phiếu có vẻ không phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư cá nhân.
Về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, đại diện SSI đánh giá thị trường Việt Nam thiếu công ty bảo lãnh, chưa có công ty định mức tín nhiệm.
Ví dụ khi làm việc với công ty bảo lãnh của Ngân hàng Á Châu (nước ngoài), họ dùng tiền của các Chính phủ góp lại và giúp cho doanh nghiệp tại các nước sở tại, ví dụ ở Việt Nam họ bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được trái phiếu - nguồn vốn trung và dài hạn. Họ đã làm 2-3 vụ phát hành tại Việt Nam, giúp nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn chung.
Theo thống kê của SSI, trong 3 năm nay, khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thì có 80% phát hành cho ngân hàng, còn lại cho các quỹ đầu tư. Phát hành riêng lẻ hiện tại dễ thực hiện nhất và được ưa chuộng.
Tuy nhiên, HoSE muốn hướng đến nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn và kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Đại diện SSI nói điều quan trọng nhất là sản phẩm và tổ chức cuộc chơi. Tâm lý của nhà đầu tư cá nhân là mua đi bán lại liên tục, nhưng trái phiếu thì không có gì biến động, rất khó phù hợp với nhà đầu tư cá nhân. Biến động nhanh nhất phải từ 3-6 tháng.
Phía SSI cho biết, khi đặt tham vọng phát hành cho nhà đầu tư cá nhân thì HoSE phải nỗ lực rất nhiều, hoặc sẽ phải làm sản phẩm liên kết, mua trái phiếu xong thì liên kết với margin. Vì cơ chế trái phiếu đóng nên không có giao dịch và không hợp khẩu vị nhà đầu tư cá nhân.
Về khung pháp lý, đại diện SSI cho biết luật doanh nghiệp mới đã mở hơn rất nhiều, bỏ được các quy định không phù hợp. Nhưng Nghị định 90 lại bắt buộc công ty phát hành phải thuê tổ chức phát hành (trừ đơn vị phát hành là ngân hàng). Thủ tục đó xét ra không có tác dụng, vì tổ chức phát hành đó chỉ làm nhiệm vụ chào bán, không có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ.
Đặc biệt, phía SSI còn đề xuất việc nên có cơ chế công nhận hội nghị chủ nợ theo thông lệ quốc tế trong quá trình xảy ra sự cố mua bán trái phiếu (nghĩa là tại hội nghị xử lý sự cố các thành viên mua trái phiếu họp bàn về việc giữ hay đòi nợ trái phiếu). Điều này chưa hề được quy định tại các điều luật nên nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình mua bán trái phiếu, quy trình xử lý, giải pháp ra sao đều bị bỏ ngỏ, rất khó cho tổ chức phát hành giải quyết các thủ tục.
Theo NDH