Mía đường không toàn “vị ngọt”
Hiện, ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, tồn kho và sự xâm nhập của đường ngoại... Thêm vào đó, năm 2018, thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ các nước ASEAN về 0% sẽ gia tăng thêm những mối đe doạ lên ngành công nghiệp mía đường.

“Nghẽn” ngay tại chữ đường
Theo TS. Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chữ đường chính là khúc mắc lớn nhất giữa người nông dân và phía nhà máy thu mua mía, cả trong quá khứ lẫn thời điểm hiện tại.
“Nguyên nhân mấu chốt do chưa có sự minh bạch, khách quan lẫn sự tin tưởng nhau giữa DN mua mía và người nông dân. Đáng nói ở chỗ, ai cũng biết điều ấy, nhưng không ai chịu gỡ cái "nút thắt" này cả, cứ kệ nó như vậy bao nhiêu năm nay”, TS Phạm Quốc Doanh nói.
Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, Chính phủ ban hành Nghị định về quy chuẩn, tiêu chuẩn thì đến năm 2012, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 29 rất đầy đủ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, các bước triển khai tiếp theo sau khi Thông tư có hiệu lực lại không được tiến hành.
“Từ trước đến nay, mọi công việc thanh, kiểm tra, quản lí, giám sát về mía đường do Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế Cục không đủ nhân lực, máy móc, phương tiện để "ôm" cả ngành đường. Sở NN-PTNT ở các tỉnh, thành cũng gần như vắng bóng cán bộ nông nghiệp có chuyên ngành về mía đường nên nhiệm vụ này bấy lâu nay đều do nhà máy đường và người dân tự làm việc với nhau”, TS Doanh chỉ rõ.
Có cùng quan điểm, ông Đoàn Xuân Hòa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối cũng nhận định, ngành đường còn rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết. Thế nhưng lâu nay mỗi chuyện minh bạch hóa chữ đường vẫn chưa giải tỏa được, cứ âm ỉ mâu thuẫn giữa nông dân và nhà máy.
Theo ông Hoà, việc thiếu cơ quan trọng tài trung gian đã dẫn tới sự thiếu minh bạch trong việc đo lường và đánh giá chữ đường giữa nhà máy và người nông dân.
“Thực ra, có thể nói đa phần các nhà máy đường làm đúng, đủ và khá khách quan, không ai ăn bớt, gian lận chữ đường của người nông dân làm gì. Nhưng vì cơ chế nó không khách quan, không có trọng tài trung gian nên rất khó để chứng minh được sự minh bạch khi mà lợi ích giữa nhà máy và nông dân luôn đi ngược nhau”, ông Hoà cho biết.
Lỗ hổng chính sách
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đường TTC Biên Hòa cũng cho rằng, Philippines và Thái Lan đã có Luật Mía đường từ mấy chục năm nay, trong khi đến nay Việt Nam vẫn chưa có. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có sự thay đổi, đặc biệt là hành lang pháp lý, chính sách đối với ngành mía đường để tạo động lực cho ngành này phát triển bền vững.
Ông Phạm Quốc Doanh cũng có nhận định tương tự, cụ thể ông Doanh cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển ngành còn rời rạc, thiếu hệ thống, chưa tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Việc tạo cánh đồng mẫu lớn chưa có pháp chế rõ ràng mà chỉ là khuyến khích thông qua Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong khi đó, phần lớn diện tích nguyên liệu đều đến từ các hộ nông dân trồng mía (khoảng 30 vạn hộ), nên quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ từ 0,7-1,5 ha vùng đất đồi và 0,3-0,5 ha đối với vùng đất ruộng bằng.
“Điều này dẫn đến hạn chế, khó khăn cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất rất khó khăn, tác động đến việc nâng cao năng suất và chất lượng mía, giảm chi phí sản xuất nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường”, ông Doanh nói.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất chưa hiệu quả. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2/12/2011 và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhưng phải đến Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg cây mía mới được đưa vào đối tượng hỗ trợ. Do vậy, đến nay theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cơ giới hóa khâu làm đất mới đạt 59% diện tích, chăm sóc đạt 18%, còn khâu tưới mới chỉ đạt 11%.
Đặc biệt, kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mía đường ở Việt Nam hiện nay cũng ở mức rất thấp, chỉ bằng khoảng 3-6% so với mức bình quân ở các nước sản xuất mía đường trên thế giới. Thậm chí việc hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống 3 cấp giai đoạn 2003-2008 không hỗ trợ cho các doanh nghiệp là công ty cổ phần và từ đó đến nay không có chính sách hỗ trợ.
Khơi thông “điểm nghẽn”
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để giải quyết những điểm nghẽn trong ngành, từ đó tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển bền vững, cần phải xây dựng các trung tâm giám sát, phân tích chữ đường tại mỗi vùng để giúp nhà máy và nông dân gặp được nhau. Trung tâm này của Nhà nước, không thuộc nhà máy, cũng không của nông dân.
Cùng với đó, tập trung tối đa nguồn lực cho việc tuyển chọn ra bộ giống thích hợp cho từng vùng miền. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng, thu hoạch, thu mua, chế biến, giảm tổn thất, giảm nhân công lao động, quá độ hạ giá thành sản phẩm.
PGS. Klanarong Sriroth, Tập đoàn Mía đường Mitr Phol thì cho rằng, việc phát triển các sản phẩm cạnh đường cũng là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị ngành đường. Cụ thể, một tấn mía cây có 0,3 tấn bã mía có thể sản xuất được 100-120 KWh, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ có thể phát lên điện lưới khoảng 60-70 KWh.
Đồng quan điểm như trên, TS. Phạm Quốc Doanh cũng cho hay, theo quy hoạch tổng thể ngành mía đường Việt Nam, đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 triệu tấn mía, do đó có thể sản xuất ra được 2,4 triệu MWh, tương ứng tổng công suất phát 840 MW; đến năm 2030 sẽ có khoảng 24 triệu tấn mía, do đó có thể sản xuất ra được 2,8 triệu MWh, tương ứng tổng công suất phát 970 MW. Đây chính là hướng đi “ích nước lợi nhà”, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và DN.
Ngoài ra, còn có thể sản xuất thành các sản phẩm cồn ethanol, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, nhiệt điện, nước đóng chai… Đây là hướng đi hiệu quả để gia tăng lợi nhuận, qua đó tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm đường.
Trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm cạnh đường cũng đã mang lại thành công lớn cho ngành đường nhiều nước trên thế giới như Úc, Brazil… Tại khu vực châu Á, Phillipines hiện cũng có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vì ngoài đường, quốc gia này sẽ sản xuất thêm xăng sinh học.