Masan Group: Giảm tài chính ngắn hạn, thực thi kế hoạch tạo giá trị dài hạn
Các khoản đầu tư chiến lược nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và tối ưu hoá hàng tồn kho đã làm suy giảm lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm 2017. Đây là 1 trong những bước đi mà Masan Group đã thực thi theo chương trình hành động chiến lược, tạo giá trị tăng trưởng mạnh trong giai đoạn từ 2018.
Tái cân bằng hàng tồn kho
Masan Group cho biết Công ty đã thực hiện các chương trình hành động chiến lược nhằm chuẩn bị cho mục tiêu đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dự báo cho giai đoạn 2018-2020 ở mức 15-20% mỗi năm. Masan đang triển khai kế hoạch tạo ra giá trị cho cổ đông trong 3 năm, thay vì tập trung vào việc đạt các kết quả tài chính ngắn hạn.
Với chương trình hành động này, Masan Consumer Holdings (“MCH”) đã chấp nhận mất một khoản doanh thu tiềm năng là 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 từ kế hoạch phát triển một mạng lưới phân phối hiệu quả và lành mạnh hơn để phục vụ người tiêu dùng và chuẩn bị cho chương trình tung sản phẩm mới trong nửa cuối năm đối với tất cả ngành hàng.
Tại cuối năm 2016, mức hàng hóa tồn kho của Masan Consumer tại nhà phân phối là 2.272 tỷ đồng, giảm xuống còn 1.633 tỷ đồng tính đến ngày 31/3/2017 và mức tồn kho tính đến tháng 30/6/2017 là 1.217 tỷ đồng. Để hỗ trợ chương trình cắt giảm mức tồn kho, MCH đã đầu tư thêm 305 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, làm ảnh hưởng đến kết quả EBITDA và biên lợi nhuận thuần hợp nhất. Ban Giám đốc kỳ vọng mức tồn kho đạt khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm (mức tối ưu để duy trì một hệ thống phân phối mạnh). Chiến lược này sẽ giúp tối ưu hoá khả năng tiêu thụ của tám đợt ra mắt sản phẩm mới trong nửa cuối năm 2017 cũng như chuẩn bị cho việc tung ra các sáng kiến mới trong năm 2018.
Masan Nutri-Science (“MNS”) bị ảnh hưởng nặng do giá heo hơi giảm thấp nhất trong lịch sử, chỉ 20.000-25.000 đồng/kg kéo dài đến Quý 2 năm 2017, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong kết quả tài chính trong 6 tháng đầu năm 2017. Ban Giám đốc đã điều chỉnh giảm dự báo tài chính cho cả năm 2017.
Theo MSN, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi heo nhìn chung đã giảm 35% đến 40% trong sáu tháng đầu năm 2017 khi cung và cầu thị trường tái cân bằng. Do đó, sản lượng và doanh thu bán hàng thức ăn chăn nuôi heo của MNS giảm lần lượt là 20,8% và 19,5%. Đáng chú ý là dòng sản phẩm Bio-zeem chỉ giảm 12,2% sản lượng bán hàng. Doanh thu thuần trong sáu tháng đầu năm 2017 giảm 9,8% do sự tăng trưởng của các loại thức ăn chăn nuôi khác bù vào sự sụt giảm về doanh thu thuần từ thức ăn chăn nuôi heo.
[caption id="attachment_64225" align="aligncenter" width="660"]
Chiến lược này khiến chi phí bán hàng trong sáu tháng đầu năm 2017 tăng 36% lên 1.136 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Đây được xem là chi phí đầu tư cho dài hạn làm biên lợi nhuận giảm trong ngắn hạn. Ban Giám đốc dự kiến các khoản chi phí đầu tư này sẽ bắt đầu mang lại lợi nhuận trong 18 tháng tiếp theo bắt đầu từ quý 3 năm 2017, cụ thể là nhờ các chương trình khách hàng thân thiết và giá heo hơi phục hồi trong thời gian qua.
Trong sáu tháng đầu năm 2016, lợi nhuận thuần hợp nhất sau cổ đông thiểu số của MSN có khoản lợi nhuận bất thường là 204 tỷ đồng, và Ban Giám đốc dự kiến không có khoản lợi nhuận bất thường nào trong năm 2017.
Thu nhập tài chính hợp nhất giảm 29,2% trong sáu tháng đầu năm 2017 do số dư tiền mặt hợp nhất (bao gồm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) giảm từ 14.920 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2016 xuống còn 6.666 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2017 và lãi suất thấp hơn. MSN cũng ước tính lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số sáu tháng cuối năm 2017 sẽ vào khoảng 1.945–2.345 tỷ đồng, tăng 10,7% đến 33,5% so với năm 2016 và Cty vẫn có tiềm năng nâng cao lợi nhuận thuần được điều chỉnh 2.400-2.800 tỷ đồng.
Các mảng trụ cột tiếp tục tăng trưởng mạnh
Trong khi MCH và MNS suy giảm ở một số mảng thì các trụ cột tăng trưởng chiến lược vẫn tạo ra lực đẩy và mang đến kết quả ấn tượng cho Tập đoàn trong nửa đầu 2017. Trong đó, nước tăng lực Wake-Up 247 của MCH đạt kết quả vượt trội: Tăng trưởng doanh thu thuần 72% trong sáu tháng đầu năm 2017 và có tiềm năng trở thành một thương hiệu có giá trị 45-50 triệu USD vào cuối năm.
Mảng kinh doanh thịt chế biến của MCH tăng trưởng 359% lên 88 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần cả năm trong khoảng 300-500 tỷ đồng.
MNS đang đi đúng lộ trình nhằm thực hiện mô hình 3F “Feed-Farm-Food” (Từ trang trại đến bàn ăn) vào nửa đầu năm 2018, giảm thiểu rủi ro đối với sự biến động của giá cả sản phẩm chăn nuôi, giúp MNS tăng trưởng vượt qua các chu kỳ kinh doanh.
Đáng lưu ý, như đã thông tin, Masan Resources đã có kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm 2017 khá ấn tượng nhờ hồi phục của giá hàng hóa thế giới và đặc biệt mô hình hoạt động hiệu quả với các sáng kiến cải tiến mới. Bên cạnh đó, Masan cũng cập nhật kết quả hoạt động của Techcombank (TCB) với con số khả quan và cho biết Masan không tham gia vào kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ của TCB.
Ban Giám đốc dự báo lợi nhuận thuần hợp nhất sau lợi ích cổ đông thiểu số cho cả năm 2017 đạt mức 2.400 – 2.800 tỷ đồng (năm 2016 là 2.791 tỷ đồng) và dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2017 sẽ tương đương kết quả của năm 2016.
Mặc dù có kết quả tài chính bán niên suy giảm, chiến lược chấp nhận giảm lợi nhuận ngắn hạn để tạo giá trị bền vững dài hạn của Masan Group tiếp tục được khẳng định với niềm tin: Các sáng kiến chiến lược và các khoản đầu tư một lần của 6 tháng đầu năm 2017 đã đặt nền tảng hoạt động và chiến lược nhằm giúp Công ty đạt được mục tiêu năm 2020. Ban giám đốc -cho biết Masan sẽ chỉ tập trung duy nhất vào việc phát triển các ngành kinh doanh hàng tiêu dùng cốt lõi, nhằm chuyển đổi hoặc làm dẫn dắt thị trường bằng việc tập trung vào phát kiến, thấu hiểu người tiêu dùng một cách sâu sắc và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng cho mọi người dân Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2020 tăng trưởng 15-20% mỗi năm là do ba trụ cột tăng trưởng chiến lược: Bia, thịt là nền tảng cho chiến lược lớn hơn về dinh dưỡng và đồ uống không cồn. |