Mạnh tay với doanh nghiệp “trốn” lên sàn
Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, nhưng đến nay, vẫn chưa có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp (DN) “trốn” nghĩa vụ lên sàn.
[caption id="attachment_36127" align="aligncenter" width="588"]
Chính phủ “thúc” các DN nhanh chóng lên sàn
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, câu chuyện hai Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được quan tâm nhiều bởi việc chậm lên sàn của hai DN này.
Trong văn bản phát đi ngày 6/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng vừa ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP trong đó yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01/11/2016.
Đây được xem là động thái “thúc” quá trình thoái vốn Nhà nước phải diễn ra công khai, minh bạch thông qua hình thức đấu giá, niêm yết trên sàn chứng khoán của Chính phủ.
Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng lên sàn, nhưng đến nay, vẫn chưa có chế tài rõ ràng đối với những doanh nghiệp “trốn” nghĩa vụ lên sàn.
Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định, doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng nếu không đưa vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán sẽ bị phạt từ 100 đến 150 triệu đồng (trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định).
Tuy nhiên, do Nghị định này không có hiệu lực hồi tố, nên để thúc các doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm tháng 11/2013 (thời điểm Nghị định có hiệu lực), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 51/2014 yêu cầu, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2014, nhưng áp dụng hồi tố với cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đó.
Trước đó, năm 2015, nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hàng loạt chính sách hỗ trợ tạo nguồn hàng mới cho UPCoM tiếp tục được ban hành và có hiệu lực. Cụ thể, Nghị định 60/2015 được ban hành đã rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày theo Quyết định 51/2014 xuống còn 60 ngày.
Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM. Theo đó, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư có hiệu lực) mà không lên niêm yết sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm.
Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCK có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.
Chặng đường gian nan
Theo ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, ngay sau IPO, tối thiểu là các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, còn những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí niêm yết, hồ sơ IPO được đồng thời xem xét để niêm yết thẳng lên Sở GDCK.
Trong số hàng nghìn doanh nghiệp đã đăng ký là công ty đại chúng với UBCK, nhưng đến nay chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, có hàng trăm công ty hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Có những doanh nghiệp đã cổ phần hóa cách đây nhiều năm như: Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco),… nhưng chưa lên sàn và cũng chưa thể xác định thời điểm, bất chấp sự thúc giục của cổ đông.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó việc bán phần vốn của Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco.
“Thủ tướng đã yêu cầu hai công ty này phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán, Thủ tướng chỉ đạo phải làm ngay để tạo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm. Doanh nghiệp bắt buộc phải niêm yết chứ không phải thích thì làm không thích thì không làm” – ông Dũng nói.
Không chỉ các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhiều năm chưa lên sàn, nhiều “ông lớn” chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần đây cũng bị cổ đông “hỏi thẳng” vì sao chậm lên sàn.
Để thúc đẩy việc niêm yết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco hay Habeco theo đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Chính phủ chỉ cần ra quy định nếu bất kỳ người đại diện cổ phần Nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần Nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế.
Nếu lãnh đạo bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó đã bị án kỷ luật mà không cần phải họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân đó. Nói cách khác VAFI đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu gây cản trở việc niêm yết trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, sau những chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của Chính phủ, giới đầu tư đang trông đợi sự xuất hiện làn sóng lên sàn mới, trong đó có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng hoạt động tốt.
Theo Linh Nga Enternews