M&A làm tăng cơ hội mới cho cổ phiếu ngành thực phẩm
Dự báo tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm trong 5 năm tới của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, nhờ vào lạm phát thấp, cơ sở hạ tầng cải thiện và khu vực bán lẻ tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn 2014-2015 là giai đoạn các tập đoàn đẩy mạnh M&A các công ty trong ngành thực phẩm và đồ uống. Thị trường Việt Nam với dân số 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng đều đặn trên 6%/năm đã kích thích không chỉ dòng vốn nước ngoài đổ vào thâu tóm các công ty trong ngành thực phẩm và đồ uống trong nước mà ngay bản thân các doanh nghiệp nội cũng đẩy mạnh các thương vụ thâu tóm sáp nhập các công ty trong ngành nhằm tăng quy mô và bành trướng thị phần.
Trên sàn, CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group) đã dịch chuyển toàn toàn vào chuỗi giá trị nông nghiệp sau khi thoái vốn khỏi PAN Sercives vào tháng 3/2016. Hiện PAN Group sở hữu 3 công ty con là CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, công ty PAN-Saladbowl sản xuất kinh doanh rau và hoa, CTCP Giống cây trồng trung ương (NSC). Riêng trong lĩnh vực giống, bước khởi nguồn của ngành nông nghiệp, PAN đã sở hữu 5 công ty giống. Với bộ nhận diện thương hiệu mới từ tháng 10/2015, Tập đoàn này đang tiến sâu vào chuỗi cung cấp thực phẩm sạch với việc hoàn thành giai đoạn xây dựng hệ thống nền tảng nông nghiệp và thực phẩm trong chuỗi giá trị “farm –food – family” và bước sang giai đoạn xây dựng hệ thống phân phối với các sản phẩm gạo Ban Mai, thủy sản ABT, hạt điều Lafocco và bánh kẹo Bibica. Gần nhất, công ty PAN Food đã mua lại hơn 20% vốn của CTCP Thủy sản 584 Nha Trang với sản phẩm nước mắm truyền thống làm hoàn toàn bằng nguyên liệu cá cơm tự nhiên.
Chiến lược M&A đúng hướng và được hỗ trợ tài chính từ các cổ đông quốc tế đình đám như Tổ chức tài chính quốc tế IFC, Quỹ đầu tư thuộc chính phủ Singapore GIC, quỹ TAEL và Mutual Elite Fund, và các cổ đông trong nước như NDH Invest, CTCP Chứng khoán Sài Gòn, CTCP CSC Việt Nam, tổng tài sản của PAN trong 5 năm qua tăng 13 lần, doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm trong 5 năm gần đây (CAGR) lên tới 82%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân tăng 118% trong 5 năm. Tính ra, PAN đã rót khoảng 100 triệu USD vào các công ty nông nghiệp và thực phẩm từ năm 2013 đến nay.
Ban quản trị PAN đạt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2016 đạt 25,6% tương đương 3.330 tỷ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 465 tỷ, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần EPS 2016 dự kiến 3,810 đồng/cp. Tại mức giá hiện tại, PAN đang giao dịch tại P/E 2016 dự kiến 11,3 lần, thấp hơn công ty có mô hình tương tự là GTN (P/E hiện tại 38 lần) hay MSN P/E 2016 26,9 lần.
Một công ty khác chuyển hướng sang ngành nông nghiệp và thực phẩm là CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất (GTN), mới đổi tên thành GTNFoods. Từ năm 2015 công ty này đổi hướng và thâu tóm ồ ạt các công ty nông nghiệp với các thương vụ đình đám như mua cổ phần chi phối của Tổng công ty chè, công ty này cũng sở hữu 5 công ty chè khác là chè Kim Anh, chè Trần Phú, Chè Hà Tĩnh, chè Thái Nguyên, chè Phú Đa và sở hữu CTCP Thực phẩm Lâm Đồng, công ty này cũng ngỏ ý muốn sở hữu 65% cổ phần của Tổng công ty Chăn nuôi Vilico mà không phải chào mua công khai. Tuy nhiên trong khi PAN tăng trưởng lợi nhuận theo cấp số nhân, kết quả kinh doanh của GTN vẫn khá ảm đạm sau khi M&A. Mặc dù doanh thu quý 1/2016 của GTN đạt 745 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,8 tỷ đồng, giảm 59% cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy hiệu quả của các thương vụ M&A của GTN vẫn chưa cao. Với số vốn 1.500 tỷ, EPS quý 1 của GTN chỉ đạt 25 đồng/cp.
Cũng với chiến lược M&A trong ngành thực phẩm, sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International, CTCP Tập đoàn Kido bắt đầu mở rộng M&A trong lĩnh vực thực phẩm và gia vị với 3 mũi nhọn mỳ ăn liền, dầu ăn và gia vị. Ở thời điểm hiện tại Kido mới sở hữu gần 24% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex. Kido cũng đã tham gia thị trường mỳ ăn liền với thương vụ kết hợp với Saigon Ve wong cho ra mắt sản phẩm mỳ Đại Gia Đình. Để tập trung cho ngành thực phẩm và gia vị, trong năm nay Kido sẽ bán nốt 20% cổ phần mảng bánh kẹo, đẩy mạnh mảng kem và và Tập đoàn này có tham vọng sẽ sở hữu trên 51% cổ phần của Vocarimex vào cuối năm 2016.
Tính đến 31/3/2016, KDC vẫn duy trì lượng tiền mặt gần 2.300 tỷ đồng tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A để mở rộng ngành hàng và danh mục sản phẩm.
Ở một quy mô khác, CTCP Tập đoàn Masan rất “bạo tay” trong việc chi các khoản tiền khổng lồ thâu tóm các công ty. Tại thời điểm 31/3/2016 Masan đã chi hơn 6.400 tỷ vào các công ty con và 10.880 tỷ đầu tư vào 40 công ty liên kết trong đó có các công ty đình đám như VinaCafeBiên Hòa, CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco), CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), Cholimex. Gần đây nhất, Masan đã chi hơn 2.100 tỷ đồng để sở hữu 24,9% cổ phần công ty NHNN MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) với giá bình quân 106.000 đồng/cp. Trước đó trong đợt IPO Vissan, Anco – công ty con của Masan đã tham gia đấu giá cổ phiếu Vissan với giá trúng cao nhất là 126.000 đồng/cp.
Khi thị phần của Masan trong ngành nước mắm và gia vị có dấu hiệu chững lại, công ty này đã chuyển hướng sang M&A các công ty trong ngành thức ăn gia súc và đạm động vật. Masan kỳ vọng trong năm 2016 doanh thu thuần tăng trưởng khoảng 50%, đạt gần 2 tỷ USD, và lợi nhuận sẽ tăng trưởng 25% đến 35%. Tập đoàn này cho rằng lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Việt Nam là một phân khúc tăng trưởng rất nhanh và rất hấp dẫn, dựa trên tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy sự thay đổi phong cách sống. Dự báo tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm trong 5 năm tới cao nhất trong ASEAN, nhờ vào lạm phát thấp, cơ sở hạ tầng cải thiện và khu vực bán lẻ tăng trưởng nhanh.
Đánh giá về tính hiệu quả của các thương vụ M&A, Chủ tịch Kido ông Trần Kim Thành cho rằng M&A chính là công cụ rất mạnh để thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng kinh tế và gia tăng lợi nhuận. Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2016, ông Thành cho rằng bí quyết tạo chuỗi giá trị và lợi thế cạnh tranh của Kinh Đô chính là hình thành chuỗi các hoạt động với nhau để tạo chuỗi giá trị. Đầu tiên, phải xác định được định hướng nơi nào có lợi nhuận nhiều nhất, khách hàng chịu trả tiền nhiều nhất.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT The PAN Group ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, tâm lý một số đại gia nghĩ chỉ cần có tiền có thể làm được tất cả mọi thứ từ A-Z rất dễ thất bại. Quan điểm của ông Hưng khi đầu tư vào một ngành mới phải bắt đầu bằng thị trường, khi có thị trường mới nghĩ đến chuyện đầu tư tiếp. Mục tiêu của ông Hưng là tìm các công ty tốt trong ngành với các lãnh đạo có tầm nhìn để mua trên 50%, vì một doanh nghiệp muốn phát triển được cần có những con người đã có kinh nghiệm có sẵn. Những doanh nghiệp đó trước đây chỉ quan tâm đến canh tác, không quan tâm đến thương hiệu, công nghệ thị trường vì họ không có đủ điều kiện để quan tâm thì The PAN Group tham gia kết hợp giữa nhà tài chính, nhà khoa học và doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường, xây dựng được thương hiệu cho nông nghiệp Việt và tăng giá trị gia tăng cho nông nghiệp VN.
Theo NDH