Lợi ích từ niêm yết công khai lãi suất cho vay
Cùng với thông điệp của chính phủ tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD), các ngân hàng thương mại (NHTM) bắt buộc phải niêm yết công khai, minh bạch lãi suất cho vay một cách cụ thể.
[caption id="attachment_40697" align="aligncenter" width="588"]
Theo các chuyên gia, nếu làm được việc này, đây sẽ là bước tiến mới trong việc nâng cao năng lực của NHNN cũng như các TCTD hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Vẫn rụt rè chưa công bố
Ông Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, đi qua đường nhìn vào các bảng biểu của các ngân hàng thấy rằng, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn được NHNN thường “chốt” ở mức 9%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại không được tiết lộ một các công khai như vậy.
Dạo qua một vòng các ngân hàng tại Hà Nội, dễ dàng bắt gặp bảng ghi biểu lãi suất huy động cao nhất (kỳ hạn ngắn) đối với VND là 9%/năm và 2%/năm đối với USD. Đây là biểu lãi suất huy động cao nhất (tùy từng thời điểm) mà các ngân hàng công khai nhằm thu hút khách hàng đến gửi tiền với mình.
Theo công bố từ NHNN, lãi suất cho vay VNĐ phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10 – 13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12 – 15%/năm. Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5 – 7%/năm đối với ngắn hạn, 6 -8%/năm đối với trung và dài hạn. Các mức lãi suất cho vay này được NHNN đánh giá là “ổn định”.
Ngoài những công bố trên, lãi suất cho vay các lĩnh vực khác thì rất ít thông tin được niêm yết công khai. Thậm chí, khi khách hàng gọi điện đến ngân hàng để hỏi thì cũng hiếm khi nhận được thông tin cần thiết.
Thay vào đó, nhân viên ngân hàng đề nghị khách đến ngân hàng để được tư vấn trực tiếp. Điều này được giải thích là do các ngân hàng không muốn phổ biến giá bán của mình vì e ngại không đủ mức độ cạnh tranh, do chi phí vốn mỗi ngân hàng là khác nhau.
Ông Nguyễn Châu Tuấn – GĐ DN tư nhân Hùng Việt, cho biết việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng chỉ công bố mức giảm lãi suất là bao nhiêu và dành cho đối tượng nào, còn cụ thể một sản phẩm vay đang được áp dụng theo lãi suất nào thì khách hàng gần như không biết được, nếu như không trực tiếp vay vốn tại ngân hàng.
Riêng đối với các gói cho vay ưu đãi thì các ngân hàng có công bố mức lãi suất ưu đãi, nhưng thông thường thì mức lãi suất này chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định và sau đó sẽ được thả nổi theo lãi suất thị trường. Do đó, khách hang là DN cũng rất khó có thể dự toán được chi phí lãi vay để lên kế hoạch kinh doanh phù hợp…
Công khai niêm yết sớm
Từ tháng 7/2016 NHNN đã yêu cầu các TCTD phải rà soát việc xác định mức phí đối với từng loại dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí đồng thời loại bỏ các loại phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay. Thực tế đã có một số ngân hàng xây dựng lộ trình sớm niêm yết lãi suất cho vay trên trang tin điện tử của mình, có thể bắt đầu từ Quý 4 năm nay hoặc đầu năm sau.
Ông Richard Harris, GĐ Khối ngân hàng bán lẻ VIB cho biết: “Một khi ngân hàng công bố biểu lãi suất trần cho vay, trong suốt quá trình vay, khách hàng luôn ước tính được lãi suất cụ thể của họ là bao nhiêu.
Như vậy, lúc nào khách hàng cũng có thể biết thông tin lãi suất một cách chủ động, nhờ vậy họ cũng sẽ chủ động trong kế hoạch vay và trả nợ của mình”.
Ngoài ra, theo đánh giá của giới chuyên gia, NHTM công khai biểu lãi suất trần cho vay sẽ giúp giảm quá trình tìm hiểu thông tin vay của khách hàng, vay nhanh hơn, tính toán được số tiền phải trả…
Hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,36%/năm, cho nên, dư địa vốn cuối năm cho DN rất lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng hạ lãi suất huy động trong ngắn hạn khó xảy ra nhưng với tình hình nguồn vốn dư thừa như hiện nay, các ngân hàng sẽ phải giảm thêm lãi suất cho vay.
Và do đó, công khai biểu lãi suất trần cho vay cũng chính là con đường ngắn nhất giúp khách hàng có nhu cầu vay vốn đến với ngân hàng…
Theo Phương Hà DĐDN