Lãi suất vay có thể giảm được lâu?
Sau động thái của BIDV tuyên bố giảm lãi suất vay 0,5% ngay trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp hôm 29/4, một số ngân hàng đã rục rịch có chương trình điều chỉnh giảm hoặc hỗ trợ lãi suất. Đây có thể trở thành xu hướng và kéo dài được ổn định trong năm 2016?
[caption id="attachment_20340" align="aligncenter" width="588"]
Trong Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cam kết các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số khu vực. Trong đó lãi suất có thể giảm 0,3-0,5% cho kỳ hạn ngắn và giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10%.
Ngân hàng nỗ lực hạ lãi vay
Một số ngân hàng đã thực hiện ngay cam kết này như BIDV, SHB với mức hạ lãi suất 0,5% cho kỳ hạn ngắn lắn. Lãi vay trung và dài hạn cũng ở mức dưới 10%. Vietcombank có lãi vay trung dài hạn dưới 10% trong 1 năm và tung gói hỗ trợ cho vay trị giá 300 tỷ đồng. Vietinbank cũng cam kế giảm 1% cho những dự án có điều kiện.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã và đang triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp. Với chương trình “Vay tiền phát lộc”, HDBank cho vay doanh nghiệp và cá nhân với lãi suất áp dụng chỉ 7%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Với những khoản vay từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, HDBank áp dụng lãi suất như trên cộng (+) thêm từ 0,5%- 3,5%/năm. OCB cũng đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chiết khấu USD từ 1,63%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ từ 6,71%/năm, lãi suất USD ngắn hạn từ 2,68%/năm và ưu đãi từ 20% – 50% phí dịch vụ cho doanh nghiệp nhập khẩu… Các ngân hàng đều cho biết sẽ có những chương trình ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp tới đây.
Vẫn vướng những rào cản lớn
Tuy nhiên, để động thái hạ lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp trở thành 1 xu hướng, kéo dài ổn định, lại có rất nhiều rào cản mà ngân hàng không dễ gỡ. Xin nêu hai rào cản cơ bản:
Thứ nhất, áp lực lạm phát đang làm một trong những yếu tố khiến việc giảm lãi suất càng trở nên bất khả thi, khi sức ép tăng lãi suất huy động song hành cùng lạm phát trở thành tất yếu.
Đây là một trong những nguyên do, bên cạnh nguyên do các ngân hàng đều có nhu cầu tăng huy động vốn để đáp ứng thanh khoản trước chu kì giải ngân tín dụng của nền kinh tế, dẫn đến hiện tượng nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng các chiêu lách trần lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền thời gian qua.
Mặt khác, việc dựa vào nguồn vốn từ các thị trường khác để tăng thanh khoản với các ngân hàng cũng đang không dễ dàng do Ngân hàng Nhà nước đang khá thận trọng trong cung tiền.
Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV tiết lộ là dòng tiền từ tái cấp vốn/ nợ đã bán cho VAMC (theo quy định là các NH được hỗ trợ tái cấp vốn trên trái phiếu VAMC đạt tới 70%) rất ít ỏi, ít đến mức mà Chủ tịch BIDV “xin phép được không nói rõ”. Trong khi đó ngân sách không thể gọi là dồi dào khi nợ công đang chạm ngưỡng (theo cách tính của Việt Nam), cũng là hạn chế khiến các cơ quan quản lý sẽ phải đứng giữa bài toán lựa chọn co kéo chính sách tài khóa lẫn tiền tệ. Cung tiền nới lỏng theo đó là chuyện khó xảy ra.
Thứ hai, một mặt khác bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn để cân đối giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, khi tỷ lệ chênh lệch NIM ròng thực tế của các ngân hàng không cao như hai con số lãi suất huy động dao động từ 4,9-7,2% và lãi suất cho vay từ 6-11%, được đặt cạnh nhau.
Cũng theo tiết lộ của Chủ tịch BIDV, hiện với mức lãi cho vay 7-11% – mức được nhấn mạnh là tốt nhất (thấp nhất) trong khoảng 6 năm trở lại đây, thì 7-8% đã là giá vốn. Trong đó, lãi suất huy động chiếm 4,9%, dự trữ rủi ro chiếm 1,22%, dự trữ thanh toán chiếm 0,5%, chi phí quản lí 1,75%, chênh lệch NIM ròng chỉ 0,69%. “Trong khi đó NIM ròng của khối ngân hàng Asean là 2,2,-2,5%” – ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
Soi chi tiết các con số cấu thành giá vốn và chênh lệch NIM, sẽ thấy các ngân hàng đang không hẳn chỉ “ngồi thu lợi trên đầu doanh nghiệp” hay còn nhiều dư địa để “thích” là hạ được lãi suất.
Nói như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ thất vọng như bánh đa nhúng nước vì thực tế họ vẫn đang có nhu cầu tín dụng rất cao trong giai đoạn hiện nay và mong muốn lãi suất sẽ về mức thấp ngang bằng so với nhiều ngân hàng trong khu vực.
Dù vậy, một chuyên gia cho rằng mọi so sánh ngân hàng Việt Nam, đang trong giai đoạn tái cấu trúc, với các ngân hàng Asean hoặc các quốc gia phát triển bây giờ sẽ là “làm khó” cho chính doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp cần sự chủ động và linh hoạt trong nhu cầu sử dụng vốn, tiết giảm các chi phí để chấp nhận được một mức chi phí tài chính chưa hoàn toàn thấp mà vẫn cho ra được giá vốn hàng bán đủ để cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố cốt lõi thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kì mới, thay cho năng lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn như trước nay.
Ngoài ra, để các nhà băng bớt áp lực và nền kinh tế cũng giảm phụ thuộc vào kênh tín dụng, các chính sách ngắn hạn lẫn dài hạn nhằm khơi vốn các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán, trái phiếu cũng cần được các nhà điều hành quan tâm. Ông Trần Bắc Hà đề xuất điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay 10% trong kế hoạch (220.000 tỷ đồng xuống còn 187.000 tỷ đồng).
Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là giải pháp để giảm áp lực cạnh tranh của trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán cũng đang chờ đợi những hàng hóa lớn từ cổ phần hóa lên sàn, tăng thu hút vốn FII. Theo Chứng khoán SSI, mã số các nhà đầu tư chứng khoán đã đạt đến mức cao nhất trong nhiều năm sau quý I/2016, cho thấy dòng tiền FII đang tạm trú chờ đợi cơ hội để giải ngân sơ cấp lẫn thứ cấp đối với hàng hóa huy động vốn của doanh nghiệp.
Theo Enternews