Konica Minolta Việt Nam lên tiếng sau hàng loạt thông tin dính “tai tiếng”
Sau hơn bốn mươi ngày kể từ ngày đầu tiên (tức ngày 7/10/2015) khi Vietnamfdi.vn có bài phản ánh việc“Máy in hãng Konica Minolta dính nghi án nâng khống giá bán tại Việt Nam?” thì mới đây, thông qua luật sư được ủy quyền, Konica Minolta Việt Nam đã chính thức lên tiếng sau chuỗi dài ngày “im lặng”.
[caption id="attachment_9774" align="aligncenter" width="700"]
Mời phóng viên đến cung cấp thông tin, nhưng cấm chụp hình …?
Sau loạt bài liên quan đến nghi án nâng khống giá bán máy in Konica Minolta, Văn phòng đại diện tại TP.HCM của Vietnamfdi.vn đã nhận cuộc gọi điện từ Luật sư Lê Nết phản ánh cho rằng báo đã đăng sai sự thật và đề nghị rút bài …, sau đó còn gọi điện mời phóng viên tới văn phòng công ty để cung cấp thông tin liên quan đến vụ Konica Minolta.
Với mong muốn được làm rõ các thông tin khách quan sau những ngày dài im lặng của Konica Minolta, phóng viên đã nhanh chóng đến điểm hẹn tại văn phòng Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên. Tại đây ngoài đại diện của Konica Minolta còn có đại diện của Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Cty Sao Nam) và một số cơ quan báo chí khác cũng có mặt.
Tại buổi gặp gỡ, ông Luật sư Lê Nết (thuộc Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên) giới thiệu mình là đại diện cho Konica Minolta Việt Nam và phát biểu với đại ý rằng đây là cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin về vụ Konica mà các báo đã phản ánh để báo chí có thông tin khách quan hơn.
Tuy nhiên, trong buổi mời báo chí gặp gỡ để cung cấp và trao đổi thông tin đã xảy ra một vấn đề khiến các phóng viên dị ứng luôn với kiểu mời khách và sự hiểu biết về pháp luật của vị luật sư Lê Nết này, đó là việc cấm phóng viên chụp hình … vì cho rằng đây không phải là nơi công cộng?
Cụ thể tại buổi gặp, Luật sư Lê Nết đã phát biểu rằng: “Tại vì đây không phải là địa điểm công cộng nên không có quay phim chụp hình ha, chỉ có ghi chép và tôi sẽ gửi các tài liệu cho các anh chị sau”.
Dĩ nhiên, với cách nói chứa đựng nội dung cấm đoán như thế này đã bị phóng viên các báo lên tiếng phản ứng dữ dội.
Một phóng viên đặt vấn đề: Nếu đây là buổi gặp theo lời mời của Luật sư (đại diện cho Konica) … thì tại sao Luật sư Nết lại không cho phóng viên quay phim, chụp hình, còn phía sau của ông lại đặt máy quay phim để quay lại toàn bộ cuộc họp, như vậy là không khách quan?
Về vấn đề này, ông Nết cho rằng“đây không phải là địa điểm công cộng, nên việc quay phim, chụp hình thì phải có ý kiến của chủ nhà, việc quay phim hay ghi âm cuộc họp thì sau này chúng tôi sẽ gửi lại sau cho các anh chị”.
Phóng viên báo điện tử Congluan online hỏi “Vậy trong cuộc gặp hôm nay có phải cấm chụp hình không? Luật sư Lê Nết nói đúng! Phóng viên đặt tiếp vấn đề, hôm nay anh mời báo chí đến, vậy phóng viên có quyền hoạt động trong khuôn khổ qui định của luật báo chí không? Ông Nết nói vì đây không phải là nơi công cộng và phải có quyền nhân thân với hình ảnh”.
Phóng viên hỏi tiếp, vậy luật sư có phải là đại diện cho Konica Minolta không? Ông Nết trả lời tôi là người đại diện ủy quyền.
Phóng viên nói ngay: “vậy, đây không phải là vụ việc cá nhân của luật sư mà là vụ việc của doanh nghiệp trong đó luật sư chỉ là đại diện nên việc quay phim chụp hình khi tác nghiệp là đúng theo qui định Luật Báo chí chứ không thể nào cấm”?
Phóng viên này cũng đặt vấn đề chắc luật sư không rành về luật báo chí …?
Thấy vậy, ông Nết hỏi“vậy các anh chị có cho tôi quay phim không”?Các phóng viên trả lời đây là chuyện bình thường.
Trước câu hỏi của ông luật sư Lê Nết, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam lên tiếng: Nếu quay phim thì phải quay hai chiều chứ, bên anh quay mà cấm báo chí quay phim chụp hình là sao?
Một phóng viên khác liền thắc mắc “tại sao một cuộc họp công khai mà lại cấm quay phim chụp hình, liệu có sự mờ ám nào hay chăng”?
Khi vấn đề này đang tranh luận nóng bỏng thì không hiểu vì lý do gì Luật sư Lê Nết lại đá sang vấn đề khác như: “các anh chị uống nước chưa, sau đó nhắc nhở nhân viên đi lấy nước, trà mời các phóng viên … ”? Sau đó nói những câu chuyện xã giao … rồi mới đi vào cụ thể vụ việc.
[caption id="attachment_9775" align="aligncenter" width="700"]
Luật sư thiếu chuyên nghiệp và cung cấp chứng cứ sơ sài?
Tại buổi làm việc, lẽ thường Luật sư được ủy quyền khi mời báo chí đến để cung cấp thông tin sẽ chuẩn bị khá nhiều chi tiết, cụ thể các bằng chứng, chứng cứ liên quan đến vụ việc để cung cấp cho báo chí. Nhưng ngược lại, tại buổi làm việc này, ngoài việc chủ động đọc lại hàng loạt các bài báo đã viết làm tốn thời gian thì vị luật sư chỉ cung cấp sơ sài các chứng cứ liên quan … sau đó còn kết lại bằng câu nói: “đa phần các báo đều đăng sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm đến uy tín kinh doanh của Konica Minolta và các nhà phân phối”?
Cụ thể những thông tin bằng chứng mà ông luật sư Lê Nết cung cấp bằng chỉ là những bản photo gồm: Hợp đồng mua bán tài sản giữa các bên; Biên bản nghiệm thu giữa Sao Nam và Saigonbook; Bản chào giá của Cty Sao Nam gửi cho Saigonbook ngày 14/10/2014; Bản thông báo ký ngày 31/8/2015 gửi đến Saigonbook và một số báo …
Trong đó, đối với riêng bản thông báo, ông Nết nêu quan điểm cho rằng tất cả các nội dung mà báo chí phản ánh trước đó nếu không đúng với nội dung ông đưa ra trong bản thông báo đều là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đếnuy tín kinh doanh của Konica Minolta và các nhà phân phối.
Vậy trong bản thông báo có chứng cứ gì quan trọng khiến ông luật sư này mạnh miệng tuyên bố dõng dạt với các báo rằng đã viết sai sự thật, vu khống, …
Cụ thể trong bản thông báo gửi đến Saigonbook và các báo qui kết lại có hai nội dung quan trọng đó là: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook. Vì thế, KMV không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến vấn đề Saigonbook đề cập; KMV nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng cao vào Việt Nam vào các thời điểm khác nhau với giá cả khác nhau. Có thể Saigonbook đã mua hai máy từ hai nhà phân phối tại hai thời điểm khác nhau…”
Như vậy, với những nội dung như bản thông báo đã gửi, không thể hiện được nội dung mong muốn như báo chí đã phản ánh. Bởi thứ nhất: chuyện bình luận giữa KMV và Saigonbook là chuyện cá nhân giữa hai đơn vị. Thứ hai việc KMV nhập khẩu máy thời điểm khác nhau với giá cả khác nhau thì cũng là chuyện bình thường, không thể hiện việc liên quan gì đến giá cả mà bên nhà phân phối là Công ty Sao Nam bán ra. Nên việc ông Lê Nết cho rằng báo chí trong đó có Vietnamfdi.vn viết không đúng sự thật, vu khống… gây mất uy tín cho Konica Minolta và các nhà phân phối là không có cơ sở và thiếu chứng cứ, lập luận chuẩn xác.
Còn một việc khác nữa, trong buổi gặp gỡ ông Luật sư Lê Nết cũng đã kích ông Kim (tức ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook) vì cho rằng có hợp đồng giữa với Konica Minolta (KMV) và Saigonbook, rồi sau khi đưa ra hợp đồng thì Luật sư Lê Nết mới im lặng (đã đăng tải trước đó). Điều này theo ông Nết là không đúng sự thật và xuyên tạc, bởi thực tế không có hợp đồng đó và ông Kim cũng chưa có liên hệ trực tiếp gì cả, chưađưa gì cho tôi cả, vì vậy toàn bộ nội dung như vậy của ông Kim là xuyên tạc và không đúng sự thật, mang tính chất vu khống…
Nhưng bất ngờ là sau phát ngôn quy chụp này, phía nhân sự của Konica Minolta và Cty Sao Nam đã đưa ra văn bản phản hồi của Saigonbook cho ông Nết. Lúc này ông Luật sư Lê Nết mới ngớ người. Sau đó ông cầm biên bản của Saigonbook đọc chăm chú làm kéo dài thời gian làm việc sau đó mới photo lại gửi cho các phóng viên tham khảo.
[caption id="attachment_9776" align="aligncenter" width="700"]
Sao Nam chỉ là nhà phân phối, là quan hệ mua đứt bán đoạn
Liên quan đến mối quan hệ quan hệ giữa Konica Minolta và Cty Sao Nam, Luật sư Lê Nết cho biết:hai bên chỉ quan hệ giữa người bán hàng và nhà phân phối. Đây là quan hệ mua đứt bán đoạn, nên các nhà phân phối sẽ hoàn toàn quyết định giá bán.
Lý giải thêm về việc giá bán máy in C1100 có giá chênh lệch tiền tỷ, đại diện Cty Sao Nam trình bày: thời điểm bán máy C1100 cho Saigonbook là tháng 11/2014, đây là chiếc máy đầu tiên được nhập về Việt Nam. Còn Saigonbook mua máy C1100 từ STS là vào tháng 8/2015. Với hai thời điểm khác nhau thì sẽ có giá khác nhau.
Ngoài ra, đại diện Sao Nam cũng tiết lộ thêm việc vì sao Saigonbook lại mua máy C1100 của STS có giá rẻ như vậy. Vị này cho biết: Máy C1100 Saigonbook mua từ STS là đã qua sử dụng cụ thể đã đem trưng bày ở hội chợ và đã chạy thử nên mới có giá trên 1 tỷ đồng, còn Sao Nam bán máy cho Saigonbook là máy mới hoàn toàn nên giá trị sẽ khác.
Khẳng định vấn đề này, ông Linh phụ trách bộ phận kinh doanh của Konica Minolta cho rằng hoàn toàn chính xác, bởi máy đã được sử dụng trưng bày, chạy thử tại hội chợ thì chất lượng sẽ giảm.
Cũng theo ông Linh:Thời điểm năm 2014 là không thể có giá dưới 2 tỷ đồng được, 3 tỷ cũng không có. Bởi năm 2014, Konica nhập máy C1100 về có giá hướng dẫn là 180.000 USD, tương đương 3,7 tỷ đồng. Còn việc nhà phân phối bán bao nhiêu đó là quyền của họ.
Đặt nghi vấn liên quan đến việc vì sao máy mới nhập về chỉ mang ra trưng bày và chạy thử tại hội chợ thì lại bị giảm chất lượng, một phóng viên đã đề nghị đại diện Konica Minolta trả lời. Tuy nhiên vấn đề này đã được luật sư ủy quyền chuyển sang vấn đề khácvà không nói rõ lý do?
Riêng về thẩm định giá độc lập của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn cho rằng giá trị máy in C1100 thời điểm năm 2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng, thì đại diện Konica cho rằng không có cơ sở để cho ra giá như vậy?
Đặc biệt, khi nhắc đến việc báo chí có phản ánh việc máy in C1070P được Sao Nam trả lại cho Saigonbook trước đó là do có trục trặc gì về kỹ thuật, vấn đề này vị luật sư Lê Nết và ngay cả ông Linh cũng khẳng định là không có trục trặc gì về kỹ thuật cả, việc trả lại máy là do Saigonbook cho rằng máy in này màu sắc có vấn đề nên mới có việc đồng ý trả lại máy C1070P thôi, chứ máy không hề bị lỗi…
Thừa nhận cắt bớt thời gian bảo hành và chấp nhận phạt vì không xuất hóa đơn!
Liên quan đến hai vấn đề công ty Sao Nam cắt bớt thời gian bảo hành cùngviệc Konica Minolta không xuất hóa đơn cho Saigonbook mà Vietnamfdi.vn đã phản ánh trước đó, đại diện phía Konica Minolta và Cty Sao Nam đã thừa nhận saisót.
Đại diện Cty Sao Nam cho rằng: việc cắt bớt thời gian bảo hành từ 3 năm xuống còn 1 năm là do thiếu sót chứ không phải cố ý. Sau này chúng tôi có thương lượng và điều chỉnh lại thời gian bảo hành cho hợp lý nhưng do bên Saigonbook chưa đồng ý.
Còn việc Konica Minolta Việt Nam bị tố vì không xuất hóa đơn, đại diện đơn vị này cũng khẳng định là do sơ xuất chưa kịp đăng ký với cơ quan chức năng về sản phẩm khuyến mại nên nếu có bị sai phạm qui định về thuế thì bên Konica chấp nhận chịu phạt hành chính.
Ngoài những thông tin trên, còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục làm rõ, Vietnamfdi.vn sẽ phản ánh những diễn biến tiếp theo tới bạn đọc.
N.H