KIDO và tham vọng lớn với ngành thực phẩm Việt
Thâm nhập sâu vào thị trường thực phẩm đông lạnh, hoàn thiện chuỗi sản phẩm trong ngành này ngày càng thể hiện tham vọng với lĩnh vực thực phẩm Việt Nam của KIDO.
Tham vọng về thị trường thực phẩm Việt
Sau khi bán mảng bánh kẹo, đã có những khoảng thời gian KIDO chông chênh khi doanh thu và lợi nhuận giảm sút, trong khi ngành nghề mới chưa đem lại lợi nhuận. Công ty gấp rút tìm kiếm các kênh đầu tư mới để bù đắp phần thiếu hụt do bán mảng bánh kẹo.
Năm 2015, KIDO đã thâm nhập thành công vào các ngành hàng mì ăn liền, dầu ăn và gia vị thương hiệu Đại Gia Đình. Tuy nhiên, nhận thấy thời hoàng kim của mì ăn liền đã kết thúc, sức tiêu thụ ngày càng đi xuống trong khi công ty chỉ mới “chân ướt chân ráo” tham gia thị trường nên gặp nhiều khó khăn nên Kido cho biết sẽ dừng kinh doanh mảng mì ăn liền từng được kỳ vọng sẽ mang về nguồn thu lớn.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO thừa nhận “KIDO đã đầu tư rất nhiều vào mì ăn liền nhưng thu về không xứng đáng, và tung sản phẩm ra nhằm lúc thị trường đi xuống. Bên cạnh đó, do chưa tiếp nhận được mảng dầu (chưa chiếm được thị phần lớn trên thị trường dầu ăn – PV) nên KIDO gặp khó khi không đủ hàng cho hơn 400.000 điểm bán lẻ ở mảng thực phẩm đóng gói.
Đối với lĩnh vực dầu ăn, thông qua Dầu Thực vật Tường An và Vocarimex, KIDO trở thành ông trùm dầu ăn khi nắm trong tay khoảng 35% thị trường. KIDO lựa chọn Tường An và Vocarimex bởi đây là 2 doanh nghiệp đang sở hữu các nhà máy sản xuất lớn, hiện đại, cho phép KIDO đạt được những toan tính của mình trong ngành dầu ăn cũng như đáp ứng chuyên môn hóa các dòng sản phẩm từ dầu ăn cao cấp đến dầu ăn phục vụ công nghiệp.
Để đảm bảo sự hiện diện và độ phủ của mình trong mỗi bữa ăn của các gia đình, KIDO hợp tác với Dabaco và đối tác nước ngoài để đưa ra thị trường thịt gà tươi đông lạnh và các sản phẩm xúc xích, giò chả… chế biến từ gà. KIDO hợp tác liên doanh với Thái Lan sản xuất các dòng sản phẩm gia vị đa dạng như tương ớt. Tất cả những sản phẩm này sẽ được KIDO tung ra trong tương lai gần.
Với mục tiêu tiếp tục dẫn đầu thị phần về kem, công ty chi tới 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh để tăng năng suất thêm 170% đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển quy mô và tăng điểm bán ở cả hai miền Nam Bắc.
"Với nhà máy 400 tỷ ở miền Bắc cuối tháng 8 này sẽ xây dựng xong và sản lượng sản phẩm sản xuất dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Còn tại Tp.HCM, công ty cũng dự kiến xây dựng thêm nhà máy ở Củ Chi", ông Trần Lệ Nguyên nói với báo giới.
Ông Nguyên khẳng định, tốc độ tăng trưởng ngành hàng này đạt mức hai con số. 6 tháng đầu năm nay, chỉ riêng ngành kem mang lại 106 tỷ đồng lợi nhuận. Hết năm, ngành kem có thể thu được 200 tỷ lợi nhuận.
Đặc biệt, KIDO còn tiếp tục mở rộng kinh doanh thêm bánh bao sau quá trình thử nghiệm bán cấp lạnh. Hiện nhà máy bánh bao tại Củ Chi (Tp.HCM) đang làm việc hết công suất, mỗi ngày sản xuất khoảng 120.000 sản phẩm bánh bao nhân ngọt, mặn.
Trong năm qua, việc tập trung mở rộng kênh đông lạnh đã khiến chi phí bán hàng và quản lý tăng thêm 2% so với năm trước. Do đó, sau khi xây dựng vị thế ổn định ở ngành hàng này thì công ty đang nhắm đến nhiều sản phẩm mới nhằm chia đều gánh nặng chi phí. Đây được xem là chiến lược quan trọng không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giúp công ty củng cố mối quan hệ với các nhà phân phối. Rau củ và khoai tây chiên đông lạnh là 2 mặt hàng đang được xem xét bổ sung, dù tỷ suất lợi nhuận từ những sản phẩm này không cao.
Ông Trần Lệ Nguyên cho rằng, kinh doanh sợ nhất là đầu ra, có đầu ra là không sợ. KIDO đang sở hữu hệ thống logistics và phân phối mạnh nhất Việt Nam với hơn 70.000 điểm bán hàng lạnh và 400.000 điểm bán hàng thực phẩm đóng gói. Với chiến lược M&A, hợp tác với các đối tác quốc tế lớn trong lĩnh vực thực phẩm nhằm tăng chủng loại hàng bán tại các điểm, xây dựng sản phẩm có giá bán cạnh tranh nhưng chất lượng bao bì vượt trội, đáp ứng thị hiếu người dùng ngày càng đa dạng, ước tính 2-3 năm tới đây KIDO có thể sẽ trở thành công ty thực phẩm lớn hàng đầu Việt Nam.
Với những kỳ vọng mới, giai đoạn 2017-2018 KIDO đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, chia cổ tức trong năm tới 20%, đồng thời, tiếp tục M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán TP.HCM, đến năm 2019, doanh thu của ngành hàng này sẽ đạt mốc 780 tỷ đồng, với mức tăng trưởng kép giai đoạn 2017 - 2019 đạt hơn 70% và chiếm 30% tổng doanh thu công ty từ năm 2019.