Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2015

“Chính sách tiền tệ được xem là “mạch máu” của kịch bản kinh tế năm 2015; còn ở tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ tiếp tục ổn định, đồng thời phải thực sự nỗ lực tái cơ cấu và cải cách mạnh mẽ thì mức tăng trưởng mới đạt 6,2% như kế hoạch mà Chính phủ đề ra...”.

Đặc san Doanh nghiệp & Đầu tư giới thiệu đến Quý bạn đọc nhận định về tình hình kinh tế, tài chính, chính sách tiền tệ... năm 2015 của một số chuyên gia.

VDA

Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh

Chính sách tiền tệ được xem là “mạch máu” của kịch bản kinh tế năm 2015, bởi đây là một trong hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng nhất trong mọi nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh rất khó khăn, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao hơn so với năm 2014 với tiền đề lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn thì chắc chắn phải nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một mặt, cung tiền cho nền kinh tế sẽ được đảm bảo với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trên dưới 12%, đồng thời duy trì tính thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong quá trình tiếp tục cơ cấu lại. Mặt khác, tổng tín dụng cho nền kinh tế sẽ được đẩy ra mạnh mẽ hơn thông qua tháo gỡ bớt các rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đi đôi với tích cực xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi và cho vay, cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ, sẽ được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát với xu thế chủ đạo là kéo giảm lãi suất cho vay xuống đến mức thấp nhất có thể và thu hẹp bớt khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ cùng với tiếp tục nỗ lực duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái.

Cho đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng theo mô hình cũ, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ năng suất thấp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư rất chậm được cải thiện, chưa kể tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công còn phổ biến. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn có thể đạt được trong ngắn hạn, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi và chỉ khi chúng ta chuyển đổi hẳn sang mô hình tăng trưởng mới. Đó là chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm hàng hoá dịch vụ, kể cả tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Có thể khẳng định, các qui định pháp lý chỉ là một phần, thậm chí là phần không đáng kể tác động tới môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Tôi kỳ vọng nhiều hơn vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua những biện pháp cụ thể như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ và đạo đức cho đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Rõ ràng, chúng ta đang chuyển động theo hướng này từ năm 2014 và nếu tiếp tục làm tốt hơn trong năm 2015 thì môi trường sản xuất, kinh doanh sẽ được cải thiện rõ rệt. Đó cũng chính là cơ hội tốt để thu hút nhiều hơn dòng vốn từ nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp bên cạnh những bước tiến sâu hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế ngay trong năm 2015 tới đây.

VTT

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Ở tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, thể hiện qua hai chỉ số gồm lạm phát và nợ công. Tuy nhiên, mức ổn định này chưa thật sự vững chắc, tiếp theo là sức khỏe hệ thống tài chính ngân hàng. Hệ thống này đang bước vào giai đoạn cải cách, cần được ổn định để đảm bảo sức khỏe cả nền kinh tế.

Trong bức tranh kinh tế chung, chỉ số PMI suốt từ tháng 9/2013 đều vượt mốc 50 là tích cực. Chỉ số khởi sắc thứ hai là xuất khẩu, năm 2014 đạt 13,6% là khá cao, tiếp nối sau hai năm khởi sắc. Năm nay, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tăng đến 10%, cao hơn mức 3,4% của vài năm trước. Trong đó rõ nhất là các mặt hàng nông nghiệp đã gia tăng tỷ trọng, đặc biệt là hàng thủy sản. Tuy nhiên, bài toán tổng thể vẫn khá khó khăn. Thứ nhất, tổng cầu vẫn tăng (giá cả, tổng đầu tư, thị trường xuất khẩu vẫn leo dốc), nhưng so với vài năm về trước thì vẫn ở mức thấp. Thứ hai là nợ xấu, khi chưa xử lý hết gốc rễ, tín dụng khó mà thanh thoát. Các ngân hàng vẫn phải vật lộn với vấn đề nội bộ.

Nếu lấy thước đo là mức độ tăng trưởng, thì kinh tế Việt Nam đã phục hồi phần nào. Nhưng với câu hỏi vĩ mô là đã phục hồi bền vững hay không, theo chu kỳ hay không thì tôi nghĩ có nhiều nhân tố hỗ trợ cho điều này. Đầu tiên, kinh tế thế giới đang “vật vã” đi lên. Trước đây có một báo cáo của IMF dự đoán vào năm 2017, kinh tế thế giới thoát khỏi các rủi ro lớn để đi vào bình ổn. Riêng với Việt Nam, có nhiều nhân tố, nếu trở thành hiện thực, thì kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng có cơ sở hơn như cải thiện môi trường kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam tham gia các thỏa thuận kinh tế thế giới.

LDD

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:

Trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, khả năng tăng trưởng của Việt Nam sẽ chỉ từ 5,5 – 6%. Chỉ khi thực sự nỗ lực tái cơ cấu và cải cách mạnh mẽ thì mức tăng trưởng mới đạt 6,2% như kế hoạch, và lạm phát sẽ khoảng 5% nếu giá dầu tiếp tục thấp. Bên cạnh đó, việc thực hiện luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Nhà ở sửa đổi và nhiều nghị quyết có nội dung cải cách khác về môi trường kinh doanh, thì tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững. Sự thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Với các yếu tố như giá dầu thô giảm thấp, giá nhiều mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh, sức mua và khả năng thanh toán của người dân tăng cao thì các doanh nghiệp dân doanh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn về số lượng lẫn chất lượng. Tuy vậy, bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, cần lưu ý về tình hình kinh tế với nhiều biến động khó lường. Do vậy, phẩm chất cần thiết của kinh tế Việt Nam và thậm chí của các DN Việt là tăng khả năng đề kháng và năng lực tự đổi mới, tự phát hiện yếu kém và đổi mới hiệu quả, toàn diện để cạnh tranh trong môi trường thay đổi.

PCL

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng:

Trên thực tế, cơ cấu kinh tế của hầu hết các nước ASEAN khá giống Việt Nam, ngoại trừ Singapore, bởi hầu hết mặt hàng Việt Nam xuất khẩu thì các nước ASEAN cũng có và cũng xuất khẩu. Mặt khác, các nước ASEAN 6 có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, nên sản phẩm của họ có chất lượng tốt hơn sản phẩm Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt không dễ thâm nhập các thị trường này.

Chúng ta chưa chú trọng khai thác các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, logistics... mà Việt Nam có thể có khả năng. Cho đến nay, phần lớn sản phẩm Việt xuất khẩu sang ASEAN vẫn là tài nguyên thô hoặc nguyên liệu có mức chế biến rất thấp. Để mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp phải tham gia được vào các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị, làm ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Đặc biệt, phải có sự khác biệt so với các sản phẩm ASEAN sản xuất cho thị trường nội địa của họ.

Tôi cũng hy vọng, với Cộng đồng kinh tế ASEAN, liên kết ASEAN+ với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... hoặc trong quan hệ với các nền kinh tế khác như Mỹ, Nga, EU..., doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN có thể tạo nên các chuỗi cung ứng mới. Trong mối quan hệ đó, các bên khai thác được tiềm năng của mình tốt hơn và chia sẻ lợi ích cao hơn trong công cuộc hội nhập, cạnh tranh để phát triển.

Trên thực tế, thời gian qua, nhà nước và doanh nghiệp vẫn mải miết chạy theo nhu cầu ngắn hạn như tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu dựa trên lợi thế trước mắt như khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ... dù chủ trương phát triển khoa học, công nghệ đã được đưa vào nhiều nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành.

Sự phát triển nóng của thị trường bất động sản hay chứng khoán trong mấy năm trước đã trở thành cơ hội kiếm lời nhanh và lớn cho không ít doanh nghiệp, cá nhân. Do vậy, yếu tố công nghệ lại càng bị lãng quên. Giờ đây, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của môi trường kinh doanh ở khu vực và toàn cầu đã và đang thay đổi rất mạnh mẽ, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng suất lao động, đầu tư vào công nghệ và cải thiện hệ thống quản trị.

Theo Khôi Nguyên (Doanh nghiệp & Đầu tư)

Tags:

Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video