Kho bạc Nhà nước sẽ cán đích sớm kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ
Tính đến thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành được 76,9% kế hoạch năm và 33,71% kế hoạch quý 3.
Thống kê cho thấy tuần từ ngày 24-28/07, Ngân hàng Nhà nước có tuần thứ hai liên tiếp phát hành tín phiếu.
Cụ thể, đã có 39,999.9 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày được phát hành mới trong khi lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 36.999,8 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng 3.000,1 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Đồng thời, lãi suất tín phiếu liên tục giảm, từ mức 0,45%/năm vào phiên đầu tuần đã giảm xuống chỉ còn 0,3%/năm cho loại kỳ hạn 7 ngày trong phiên cuối tuần.
Ở một diễn biến khác, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng bật tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, ngoại trừ lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,12% về mức 1,15%/năm thì lãi suất kỳ hạn 1 tuần đã tăng 0,5% lên mức 1,8%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,55%, lên mức 2,14%/năm trong tuần qua.
Nếu so với thời điểm của tuần trước đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng có xu hướng bớt dư thừa hơn đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước.
Ba loại kỳ hạn 5 năm, 20 năm và 30 năm đã được đấu thầu trong tuần với khối lượng gọi thầu mỗi loại là 1.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là kỳ hạn 5 năm đã đấu thầu không thành công do lãi suất hiện xuống mức rất thấp. Tuy vậy, kỳ hạn 20 năm và 30 năm vẫn được bán hết với lãi suất tiếp tục giảm mạnh (từ 0,2 đến 0,43%).
Tính đến thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành được 76,9% kế hoạch năm và 33,71% kế hoạch quý 3 (Kho bạc Nhà nước đã công bố kế hoạch sẽ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý III, trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm tỷ trọng cao nhất). Với diễn biến thị trường được đánh giá tiếp tục thuận lợi như hiện tại, nhóm phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nhiều khả năng Kho bạc Nhà nước sẽ sớm hoàn thành kế hoạch phát hành quý 3 cũng như cả năm.
Việc huy động vốn trái phiếu thuận lợi và khả quan là tín hiệu tốt cho thị trường. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công lại đang chậm lại. Thống kê của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2017 tiền gửi của kho bạc nhà nước là 143 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Với việc Kho bạc Nhà nước “thừa tiền”, đem đi gửi tại các ngân hàng thương mại có nguyên nhân là do sự chậm chạp trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới đang phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.