Kho bạc Nhà nước đang dành thế chủ động trên thị trường sơ cấp
Sau 3 tuần không hấp dẫn được các nhà đầu tư thì tuần vừa qua các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại kỳ hạn ngắn 5 năm và 7 năm đã thu hút được lượng cầu cũng như khối lượng trúng thầu ở mức cao hơn so với tuần trước đó.
Tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu tại bốn loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 20 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu các loại kỳ hạn đều ở mức 500 tỷ đồng. Trong đó, lượng đặt thầu cho kỳ hạn 5 năm gấp 4,1 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 100% tại mức lãi suất 4,67% - tăng 0,07% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm bằng 4,4 lần giá trị gọi thầu với tỷ lệ trúng thầu là 100% tại mức lãi suất 4,85% - tăng 0,05% so với lần trúng thầu gần nhất. Riêng tỷ lệ trúng thầu cho hai loại kỳ hạn dài là 20 và 30 năm đều là 0%.
Như vậy sau 3 tuần không hấp dẫn được các nhà đầu tư thì tuần vừa qua các phiên đấu thầu TPCP tại kỳ hạn ngắn 5 năm và 7 năm đã thu hút được lượng cầu cũng như khối lượng trúng thầu ở mức cao hơn so với tuần trước đó.
Theo quan điểm của BVSC, việc KBNN gọi thầu thành công đối với kỳ hạn ngắn với lãi suất tăng không đáng kể trong tuần qua cho thấy nhà phát hành vẫn đang dành thế chủ động trên thị trường sơ cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, KBNN đã hoàn thành được 79,2% kế hoạch năm và 43,03% kế hoạch quý 3.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác là lượng tiền KBNN gửi tại các NHTM tính đến cuối tháng 8/2017 đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Con số này tiếp tục tăng cao so với mức 143.000 tỷ đồng ghi nhận được hồi cuối tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tiền gửi của KBNN tăng cao tại các NHTM chủ yếu do sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra phổ biến ở các Bộ ngành và địa phương. Điều này dẫn đến hệ lụy là ngân sách Nhà nước tiếp tục phải trả lãi cho các khoản vay thông qua phát hành TPCP trong nước trong khi nguồn vốn không được đầu tư vào nền kinh tế sẽ không thể hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng.
Thêm vào đó, lượng phát hành TPCP tăng đồng nghĩa với việc kéo nợ công tăng thêm. Do vậy, căn cứ vào diễn biến hiện nay, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng giải pháp ngắn hạn là trong lúc chờ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện, Chính phủ nên xem xét giới hạn hoặc tạm dừng phát hành thêm TPCP mới trong các tháng còn lại của năm nay. Điều này sẽ giúp cho ngân sách Nhà nước giảm được phần nào chi phí trả lãi cho các khoản vay tạm thời chưa cần thiết.